Ở Odessa, bọn cực đoan phóng hỏa đốt nhà, chặn lối thoát thân.
Sáng 3-5, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Arsen Avakov tuyên bố trên trang Facebook chiến dịch của quân đội Ukraine ở Slavyansk và Kramatorsk (miền Đông) vẫn tiếp tục.
Ngày đẫm máu ở Odessa
Trước đó, ngày 2-5, điểm nóng trong ngày là xung đột xảy ra ở TP cảng Odessa bên bờ biển Đen (miền Nam Ukraine). Hai tuần trước, lực lượng ly khai ủng hộ thành lập liên bang Ukraine đã tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân nước Nga mới tại Odessa.
Lúc 15 giờ ngày 2-5, khoảng 1.000-1.500 người ủng hộ chính quyền trung ương Kiev đã tổ chức tuần hành, trong đó phần lớn là cổ động viên các câu lạc bộ bóng đá ở Odessa và Kharkov.
Theo Đài Tiếng nói Nga, đây không phải lần đầu phe ủng hộ chính quyền trung ương Kiev tổ chức biểu tình nhưng lần này những người biểu tình có vũ trang và mang theo các khẩu hiệu chống Nga. Cùng lúc đó lực lượng ly khai thân Nga cũng biểu tình ở con đường bên cạnh.
|
Nhà Công đoàn ở Odessa bị phóng hỏa. Ảnh: REUTERS |
Xung đột xảy ra giữa hai phe. Hai bên đều trang bị dây xích, gậy gộc, gạch đá, chai xăng. Cảnh sát chống bạo động đã cố tách rời hai phe. Đến 16 giờ 30, xung đột dừng lại. Lúc này đã có ba người chết và 18 người bị thương.
Lực lượng ly khai cho biết bọn hooligan với thành phần nòng cốt là các phần tử tổ chức dân tộc cực đoan Praviy Sektor (Khu vực cánh hữu) đến từ Kiev đã tìm cách gây chuyện.
Đến 19 giờ 30, hai bên lại choảng nhau bằng chai xăng, bom tự tạo và gạch đá. Bọn hooligan đốt lều của lực lượng ly khai. Lực lượng ly khai rút vào cố thủ trong Nhà Công đoàn.
20 giờ, bọn hooligan phóng hỏa đốt Nhà Công đoàn. Chúng chặn các lối ra vào, ngăn cản nhân viên cứu hỏa đến cứu. Chúng hét lên: “Đừng giúp bọn nó! Cứ để cho bọn nó chết!”. Đến 20 giờ 50, hỏa hoạn mới được dập tắt.
Tổng cộng đã có 42 người chết, 214 người bị thương. Số người chết trong vụ đốt Nhà Công đoàn do bị chết cháy, ngạt khói và chết do nhảy qua cửa sổ thoát thân.
Đài Tiếng nói Nga nhận định đây là xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử khủng hoảng chính trị ở Ukraine. TP Odessa đã tổ chức ba ngày để tang kể từ ngày 3-5. Hơn 130 người bị bắt vì tham gia bạo động và giết người.
Mỹ và châu Âu lại dọa cấm vận
Chánh Văn phòng tổng thống tạm quyền Ukraine khẳng định vụ phóng hỏa đốt Nhà Công đoàn là do cơ quan tình báo Nga khiêu khích.
Trong khi đó Ngoại trưởng Bulgaria Kristian Viguenin tuyên bố bạo lực ở Odessa thật kinh khủng. Ông đề nghị chính quyền Ukraine tước vũ khí của các nhóm dân quân và ngăn chặn ảnh hưởng của bọn cực hữu. Ở Ukraine có gần 300.000 dân gốc Bulgaria sống ở miền Nam. Do đó ông lo ngại làn sóng di dân hàng loạt từ Ukraine vào Bulgaria.
Ngay sau khi thảm kịch xảy ra ở Odessa, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo nhấn mạnh: “Nga phẫn nộ nhận được thông tin về tội ác mới xảy ra ở Odessa. Nga kêu gọi Kiev và những người ủng hộ phương Tây chấm dứt tình trạng vô chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Ukraine”.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Nga xem thảm kịch mới xảy ra như dấu hiệu mới về thái độ vô trách nhiệm mang tính chất tội phạm của chính quyền Kiev vốn khuyến khích các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan, trong đó có bọn Praviy Sektor đang tiến hành chiến dịch khủng bố chống lại lực lượng ủng hộ thành lập liên bang Ukraine.
Ngày 3-5, người phát ngôn tổng thống Nga tuyên bố Tổng thống Putin đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở vùng Đông Nam Ukraine để xác định các bước tiếp theo thích hợp.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định bạo lực ở Odessa là không thể chấp nhận được và kêu gọi Ukraine cũng như Nga cùng thảo luận tái lập trật tự. Bộ Ngoại giao kêu gọi tôn trọng các cam kết tại Hội nghị Genève ngày 17-4 giữa Nga, Ukraine và Mỹ.
Trong khi đó ngày 2-5, tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng có mặt Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Obama đe dọa sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp cấm vận mới nhắm trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế của Nga nếu cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-5 ở Ukraine bị gây bất ổn đến mức không thể tổ chức.
Ông cũng kêu gọi Nga góp phần thúc đẩy để các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu bị lực lượng ly khai giữ ở Slavyansk được trả tự do ngay. Bảy quan sát viên là các chuyên gia quân sự của Đức (bốn người), Ba Lan, Đan Mạch, Czech (mỗi nước một người).
Đồng điệu với Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo châu Âu sẽ tiến hành giai đoạn 3 cấm vận kinh tế đối với Nga (trừng phạt trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế).
Theo DẠ THẢO (PL)