Ông Trump thay đổi chính sách đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông?

Thứ năm, 04/05/2017 14:47
Trong hơn 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, Mỹ chưa đưa tàu Hải quân nào tới khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp việc trước đó trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích người tiền nhiệm chưa cứng rắn trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế tại khu vực này.

Cách đây hơn một tháng, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đề nghị các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cho phép tàu chiến tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough - một bãi đá ngầm mà Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines từ năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay đề nghị này vẫn chưa được chấp thuận.

Trong suốt chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama “yếu kém trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế tại Biển Đông”, nơi Trung Quốc ồ ạt xây dựng hạ tầng quân sự, bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, lắp đặt trang thiết bị một cách trái phép trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

leftcenterrightdel
Trung Quốc đang ồ ạt xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế (Ảnh: CSIS) 

Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York hồi tháng 3/2016, ông Trump từng cho rằng việc Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông là “hành động thiếu tôn trọng đất nước và Tổng thống của chúng ta”.

Trong phiên điều trần hồi tháng 1 năm nay, ông Rex Tillerson, người sau đó trở thành Ngoại trưởng Mỹ, đã kêu gọi chính quyền Washington ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ông cũng khẳng định chính quyền Trump sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng “phải dừng ngay hoạt động xây dựng đảo trái phép” và “Bắc Kinh không có quyền tiếp cận các đảo nhân tạo đã xây trái phép trên Biển Đông”.

Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế và Đông Nam Á cũng nhận định chính quyền mới của ông Trump sẽ áp dụng chính sách tăng cường tuần tra hải quân tại vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Vì sao lời nói không đi đôi với hành động?

Tuy nhiên trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đơn phương quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép, thậm chí còn đưa ra đảo nhiều trang thiết bị quân sự, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, đề xuất tuần tra Biển Đông của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương và 2 đề xuất khác của Hải quân Mỹ hồi tháng 2 đã bị gạt đi trước khi chúng xuất hiện trên bàn làm việc của Tổng thống Trump.

Quyết định không thách thức các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Washington cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, dù mới đây Tổng thống Trump đã tuyên bố nếu Trung Quốc không mạnh tay hơn với Triều Tiên và không giải quyết vấn đề này thì Mỹ sẽ tự làm mà không cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh.

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên đã khiến chính quyền Trump thay đổi các kế hoạch trước đó nhằm đối phó với Trung Quốc. Ông Trump từng cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, sau hai tháng căng thẳng bùng phát trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ dường như buộc phải tạo ra bầu không khí hòa thuận hơn với Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh sẽ giúp kiềm chế Bình Nhưỡng.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đề nghị tuần tra Biển Đông của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương là thông điệp gửi tới Bắc Kinh rằng việc xây dựng trái phép trên các bãi cạn có thể “vượt qua ranh giới đỏ” và Washington sẽ có động thái. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Lầu Năm Góc muốn xem xét cẩn thận các hệ quả chiến lược của các cuộc tuần tra này trước khi phê chuẩn, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới chính sách an ninh quốc gia chung.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ từ chối yêu cầu của Hải quân về việc tuần tra Biển Đông. Trên thực tế, thời còn tại vị, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng hứng chịu nhiều chỉ trích vì đã “om” kế hoạch tuần tra này suốt hơn hai năm do lo ngại sẽ gây căng thẳng với Trung Quốc.

Tuy nhiên đến tháng 10/2015, Mỹ đã đưa tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực. Năm 2016, ông Obama đã cảnh báo Bắc Kinh không được phép xây dựng đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên đến cuối năm 2016, Trung Quốc vẫn điều nhiều tàu tới neo đậu gần khu vực này./.

Theo Nhật Minh (Dân trí)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra