Chơi golf tại Nhật Bản không hề rẻ. Với phí xanh1 dao động khoảng từ 10.000 yên/người (tương đương gần 2 triệu đồng) đến khoảng 50.000 yên (tương đương gần 10 triệu đồng) cho những sân golf đẹp hay nổi tiếng. Bởi vậy, từ lâu golf luôn được xem là một môn thể thao của giới thượng lưu. Trong nhiều năm, đối với những thương gia Nhật Bản, trò chơi tiêu khiển này đã được sử dụng như một cách để gây ấn tượng đối với khách hàng. Và trong một vài trường hợp, bộ môn thể thao quý tộc này còn được sử dụng như một công cụ để nắm giữ, xoay chuyển suy nghĩ và hành động của con người.
Vào đầu những năm 1990, văn hoá tặng quà của Nhật Bản đã làm xoá nhoà ranh giới giữa việc tặng quà và hối lộ thông qua một loạt các trường hợp nhận quà của những nhân vật có quyền lực mà đặc biệt là những món quà liên quan đến môn thể thao golf đã được sử dụng để bôi trơn một số giao dịch nhất định.
Vào tháng Chín năm 1997, Koji Tsujihara, một cảnh sát tỉnh Osaka đã nhận tội cung cấp thông tin về những cuộc điều tra cho ông Hajime Ishikawa - người thực hiện các hành vi kinh doanh gian lận. Vị cảnh sát này đã cho phép Hajime Ishikawa biết thời gian dự kiến diễn ra những cuộc điều tra của cảnh sát. Tại sao điều này này xảy ra? Nguyên do cũng chỉ từ nhu cầu muốn nâng cao kỹ năng chơi golf. Trong bản cáo trạng Tsujihara đưa ra, để cải thiện những cú xoay người đánh bóng trong chơi golf, vị cảnh sát này thừa nhận đã nhận từ một thành viên trong câu lạc bộ một khoản tiền có giá trị 3,9 triệu yên (tương đương gần 370 triệu đồng).
Trước đó, cũng trong năm 1997, chủ sở hữu của công ty dầu Izui Sekiyu Shokai, Junichi Izui, đã bị buộc tội hối lộ một cựu chủ tịch của sân bay quốc tế Kansai, ông Tsuneharu Hattori. Sau đó, ông này lại bị đưa ra toà một lần nữa vì tội hối lộ nhiều cán bộ Đảng Dân chủ Tự do. Các công tố viên đã cáo buộc Izui và Hattori đã nhiều lần cùng nhau tham dự những bữa tiệc chiêu đãi nhằm tạo ưu thế đặc biệt trong việc lựa chọn các nhà thầu phụ kiện vệ sinh của sân bay. Hattori cũng đã nhận nhiều quà và tiền từ Izui. Vào ngày 01 tháng 09 năm 1998, Tòa án quận Tokyo đã tuyên án Hattori một năm rưỡi tù giam và ba năm án treo và Tổng thống Nhật Bản lúc bấy giờ đã yêu cầu tòa án tuyên phạt 1.7 triệu yên (tương đương gần 330 triệu đồng).
Các trường hợp như của Izui và Tsujihara diễn ra trước khi Nhật Bản ký kết Công ước chống hối lộ toàn cầu, của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Công ước thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Sau khi ký kết năm 1997, việc sửa đổi Luật Ngăn ngừa cạnh tranh không công bằng (UCPL) đã được chính phủ Nhật Bản thực hiện vào năm 1998 để thực hiện các điều khoản của Công ước OECD. Những sửa đổi lớn hơn cũng đã được thực hiện vào năm 2001 và 2005. Sự thay đổi này đã tạo ra một môi trường kinh doanh nơi mà có thể tiếp cận chủ động những cuộc điều tra và khởi tố các vụ hối lộ liên quan đến công chức. Việc nhận quà tặng, tiền bạc và các bữa tiệc chiêu đãi của những người cầm quyền đã được phát hiện nhiều hơn và một khuôn khổ pháp lý đã được đưa ra với các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người tham gia. Các doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải giải quyết vấn đề hối lộ các công chức nước ngoài. Vấn đề này diễn ra đồng thới với việc các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh đổi mới các nỗ lực nhằm phục hồi hay duy trì tính liêm chính của doanh nghiệp sau khi một loạt các vụ bê bối được phanh phui.
Kể từ khi thành lập, các nhóm công tác của OECD về hối lộ đã giám sát việc thực hiện Công ước chống hối lộ thông qua một hệ thống giám sát nghiêm ngặt, tất cả đều dựa trên đánh giá ngang hàng. Patrick Moulette, người đứng đầu bộ phận chống tham nhũng của OECD giải thích rằng mỗi quốc gia sẽ được kiểm tra trong hai giai đoạn. Giai đoạn I đánh giá các khuôn khổ pháp lý và thể chế để thực hiện các công ước và giai đoạn II đánh giá việc thực thi Công ước.
Sau khi Nhật Bản trải qua hai giai đoạn đánh giá vào năm 2005 và 2006, Nhóm công tác OECD cảm thấy Nhật Bản đã không được như mong đợi và điều này tạo sức ép lớn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn hối lộ toàn cầu. Vào cuối năm 2007, tại một hội nghị quốc tế minh bạch - một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu hoạt động chống tham nhũng - Nhật Bản, cùng với Anh và Canada, được gọi là "liên minh bất đắc dĩ" trong cuộc chiến chống tham nhũng.
“Tham nhũng hay tuân thủ - định lượng những giá trị: Khảo sát gian lận toàn cầu lần thứ 10” là chủ đề của một cuộc khảo sát diễn ra vào năm 2008 đã phản ánh mối quan tâm về Minh bạch Quốc tế. Trên toàn thế giới, 1.200 nhà điều hành, giám đốc đã tham gia vào cuộc điều tra. Nhật Bản nổi bật với 72% số người được hỏi cho biết công ty của họ đã xảy ra hối lộ trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên, chỉ có 2% số người được hỏi cho rằng tham nhũng là phổ biến trong ngành công nghiệp của họ. Các công ty Nhật Bản tin tưởng mạnh mẽ rằng luật pháp và các quy định liên quan đến hối lộ và tham nhũng được thực thi.
Tuy nhiên, liệu tất cả các hình phạt đã đủ quyết liệt? Một trường hợp phải kể đến là vào năm 2000, một số quan chức của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản đã bị khiển trách do tham gia tiệc chiêu đãi của tỉnh trưởng tỉnh Kagawa trong những nỗ lực nhằm duy trì các khoản trợ cấp. Vào thời điểm đó, Kozo Sakaue, người đứng đầu bộ phận trợ lý tại Cục Sản xuất Nông nghiệp, đã bị cắt giảm 10% lương chỉ vì một chuyến đi đến Thượng Hải với các quan chức của hiệp hội Kagawa tháng năm 1997. Tsuguo Joko, trưởng nhóm trợ lý bộ phận tại Cục Phát triển hạ tầng Nông nghiệp, đã bị phạt hai tháng tù treo vì đã nhận ba chuyến đi đến Hàn Quốc, và nhiều cuộc chơi golf mà không báo cáo. Sau đó, Joko đã phải từ chức vào tháng 01 năm 2000.
Vào tháng 4 năm 2000, Kinya Mizokami, một quan chức Bộ Nông nghiệp, cũng đã bị truy tố vì dính líu đến hành vi nhận hối lộ liên quan đến tiệc tùng, giải trí với mục đích bảo đảm các khoản trợ cấp nông nghiệp. Cáo buộc đã chỉ ra rằng phía hối lộ đã trả những hóa đơn lên đến 1,9 triệu yên (gần 370 triệu đồng) cho vị quan chức này trong nhiều lần tiệc tùng tại các quán bar sang trọng ở Tokyo và Sapporo vào khoảng thời gian giữa tháng 7 năm 1997 và tháng 10 năm 1999. Mizokami bị đình chỉ công tác tại thời điểm đó và theo thông tin từ tờ Japan Times, "ông Mizokami đã không xem các khoản thanh toán như hối lộ mà coi đó như hành động trả ơn cá nhân của các quan chức từ các hợp tác xã bởi vì ông đã không ở cương vị để cấp các khoản trợ cấp cho hai dự án mà hợp tác xã tham gia."
Tại các nước châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng, quà biếu, quà tặng nếu làm đúng thì nó thể hiện ân tình của con người với nhau. Quà biếu thực chất thể hiện cách sống có tình, biết trước biết sau, biết ơn với người đã giúp đỡ, dìu dắt mình. Đó là một hành động rất tốt đẹp. Nhưng đáng buồn là trong xã hội, nhiều người biến quà tặng thành việc mua bán. Việc lợi dụng tổ chức tiệc tùng linh đình để tặng quà nhằm đạt được mục đích gì đó như thăng quan tiến chức thì đó là hành vi hối lộ trá hình.
Báo cáo đánh giá Giai đoạn II của OECD về Nhật Bản đã chỉ rõ sự mong manh của ranh giới giữa tặng quà và hối lộ. "Tại Nhật Bản, tôi tin rằng mối quan hệ giữa các hoạt động giải trí trong kinh doanh và hành vi hối lộ thực sự rất không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, việc hối lộ của các công chức được thực hiện thông qua nhiều hoạt động giải trí trong kinh doanh như chơi golf. Điều này cho thấy tính cấp thiết phải làm rõ những khái niệm về hối lộ", một chuyên gia của OECD cho biết. Báo cáo nghiên cứu năm 2006 của tổ chức Minh bạch Quốc tế đã chỉ ra rằng vào những năm 1990, những khoản tiền không lồ dưới hình thức các hoạt động giải trí đã được chi cho các quan chức chính quyền trung ương nhằm tìm kiếm những khoản trợ cấp.
Trước thực trạng trên vào năm 1999, Luật Đạo đức đã được phê duyệt, và sau đó Ủy ban về đạo đức cũng được thành lập. Luật Đạo đức đã chỉ rõ: "quà tặng có trị giá quá 5.000 yên (xấp xỉ 01 triệu đồng) phải được báo cáo hàng quý cho người đứng đầu cơ quan. Quà tặng và các hoạt động giải trí có giá trị vượt 20.000 yên (xấp xỉ 04 triệu đồng) phải được công bố công khai và phải được trình lên Ủy ban Đạo đức.” Tuy nhiên, trong thực tế, những quy tắc và quy định dường như hiếm khi được quan tâm.
Tại một số quốc gia châu Á nói chung, quà biếu, quà tặng nếu làm đúng thì nó thể hiện ân tình của con người với nhau. Quà biếu thực chất thể hiện cách sống có tình, biết trước biết sau, biết ơn với người đã giúp đỡ, dìu dắt mình. Đó là một hành động rất tốt đẹp. Nhưng đáng buồn là trong xã hội, nhiều người biến quà tặng thành việc mua bán. Việc lợi dụng tổ chức tiệc tùng linh đình để tặng quà nhằm đạt được mục đích gì đó như thăng quan tiến chức thì đó là hành vi hối lộ trá hình. Tại Nhật Bản, việc tặng quà có nguồn gốc văn hóa sâu xa. Việc tặng quà trong những dịp nhất định đã được hình thành vào cuối thời Tokugawa và ranh giới giữa xã giao và hối lộ là rất mong manh. Theo phong tục trong xã hội Nhật Bản, việc tặng quà đóng vai trò như chất keo kết dính xã hội. Phong tục tặng quà tồn tại từ lâu đời vô hình chung đã ảnh hưởng đến các công tố viên và thẩm phán trong các vụ án hối lộ khi họ khó lòng phân tách giữa các hành động hợp pháp và phi pháp của quan chức chính quyền.
Có thể thấy, Nhật Bản vẫn còn cả một chặng đường dài để đi trong việc phân định tặng quà xã giao và hành vi phạm tội hối lộ. Tuy nhiên, có một chặng đường còn dài hơn cả đó là chặng dường thực thi các tiêu chuẩn đạo đức về hoạt động giải trí trong kinh doanh.
Dương Nguyễn
Theo Japantoday
Chú thích:
1. Phí thuê sân
Tài liệu thao khảo:
https://www.japantoday.com/category/opinions/view/walking-the-fine-line-between-entertaining-guests-and-bribery
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1662145
“Chống tham nhũng ở Đông Nam Á: Giải pháp từ khu vực kinh tế tư nhân” – NXB Chính trị Quốc gia năm 2004
https://www.wattpad.com/213979252-hối-lộ-chính-trị-ở-nhật-bản-thời-kỳ-chính-quyền