Hôm 1.6, trong một bản tin của hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên, uỷ ban Quốc phòng (cơ quan quyền lực nhất của Bắc Triều Tiên do Kim Jong-il lãnh đạo) cho biết, hai phía Triều Tiên đã tổ chức các cuộc họp, bắt đầu từ ngày 9.5 ở Bắc Kinh, để chuẩn bị cho các cuộc họp thượng đỉnh.
 |
Lá cờ lớn Hàn Quốc trong cuộc míttinh tại Seoul, tưởng niệm (ngày 6.6.2011) những binh sĩ tử trận trong nội chiến (1950 – 1953). Ảnh: Reuters |
Tiết lộ gây sốc
Theo báo cáo, Seoul đã bí mật đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại cấp chính phủ vào cuối tháng 5.2011 để chuẩn bị cho ba cuộc họp thượng đỉnh cấp tổng thống từ giữa tháng 6.2011 đến tháng 3.2012. Đại diện của Seoul trong các cuộc tiếp xúc bí mật ở Bắc Kinh là ba viên chức thuộc phủ Tổng thống, cơ quan tình báo Hàn Quốc và bộ Thống nhất. Triều Tiên cũng nói rằng những đại diện của Seoul đã đưa ra một “đề nghị dàn xếp” khi Bình Nhưỡng từ chối xin lỗi về hai sự kiện gây chết người năm rồi. Khác với hai Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-huyn, Tổng thống Lee và các phụ tá vẫn tỏ ra cứng rắn và khẳng định sẽ không có một cam kết liên Triều, nếu Bắc Triều Tiên không xin lỗi trước vụ đánh đắm chiến hạm Cheonan và bắn tên lửa vào đảo Yeonpyeong hồi năm rồi, gây thương vong cho hàng chục người Hàn Quốc.
Thứ năm 2.6, bộ trưởng bộ Thống nhất Hyun In-taek của Hàn Quốc thừa nhận các viên chức Seoul đã tổ chức các cuộc đối thoại bí mật với bên Bắc Triều Tiên vào tháng rồi, nhưng phủ nhận tuyên bố của Bắc Triều Tiên là do Seoul “nài nỉ”.
Trong phiên họp quốc hội ngày 3.6, chính phủ Lee Myung-bak bị các nhà lập pháp chất vấn về thông tin vụ đàm phán bí mật bị Bắc Triều Tiên tiết lộ.
Park Sun-young của đảng Tự do cấp tiến nói với hãng tin Yonhap News rằng trong cuộc họp bí mật, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa 10.000 USD “phí vận chuyển” cho Bắc Triều Tiên. Park không cho biết nguồn tin hay chi tiết. Chính phủ Lee đã phủ nhận việc này.
Động cơ của Bình Nhưỡng
Trên nguyên tắc, không bên nào được tiết lộ một cuộc đàm phán bí mật có tính chất nhạy cảm như thế, ngay cả khi không đạt được thoả thuận nào.
Theo chuyên gia Jin Jingyi về vấn đề Triều Tiên tại đại học Peking ở Bắc Kinh, đây là “một cú đấm đẹp và gọn mà Bắc Triều Tiên dành cho chính sách cứng rắn của chính phủ Lee”. Jin Jingyi nói: “Trong quá khứ Bắc Triều Tiên từng hy vọng rằng chính sách của Lee đối với Bình Nhưỡng có thể thay đổi. Có thể xem vụ tiết lộ như một dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên không còn giữ hy vọng đó nữa”.
Việc phá vỡ nguyên tắc bí mật của Triều Tiên được xem là rất bất thường. Nó tạo sức ép với chính phủ Hàn Quốc và có thể khiến Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Nga có hành động cụ thể, nhằm khởi động lại các cuộc đối thoại sáu bên về bán đảo Triều Tiên.
Kim Heung-kyu tại đại học Sungshin Women ở Seoul, nhìn thấy khán giả thực sự mà Bắc Triều Tiên nhắm đến là Trung Quốc, không phải là Hàn Quốc. “Đây là cách Triều Tiên đẩy Trung Quốc phải hành động nhằm thay đổi thế cờ hiện nay. Trung Quốc muốn ổn định trên bán đảo Triều Tiên vì sự ổn định của chính mình. Bằng cách gây bất ổn không khí chính trị ở đây, Triều Tiên đang ra hiệu cho Trung Quốc hành động để phá vỡ sự bế tắc hiện nay”.
Theo một số nhà phân tích, Bắc Triều Tiên cũng gửi một thông điệp cho Mỹ. Theo Zhang Liangui, chuyên gia Bắc Triều Tiên tại trường Đảng ở Bắc Kinh, điều mà Bắc Triều Tiên muốn là một sự thay đổi hoàn toàn vị thế trên ván cờ hạt nhân.
Thế cờ sắp tới
Cho dù khẳng định của Bắc Triều Tiên về các đề nghị đàm phán có đúng hay không, phương thức bí mật thương lượng cho các cuộc họp thượng đỉnh của chính phủ Lee đã sụp đổ.
Hành vi của Triều Tiên được đánh giá là huỷ hoại bầu không khí liên Triều mà còn ảnh hưởng đến chính trường Hàn Quốc, khi cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 4 và bầu cử tổng thống vào tháng 12 năm sau.
Đối với cánh bảo thủ, tiết lộ của Bắc Triều Tiên đem lại một lý do chính đáng để yêu cầu chính phủ cắt giảm hàng trăm triệu đôla viện trợ hàng năm cho Triều Tiên.
Ngược lại, những người thuộc phe tự do trước đây kêu gọi Tổng thống Lee thay đổi chính sách “không giúp đỡ” và khởi động vô điều kiện các cuộc đối thoại sáu bên, giờ đây đổ lỗi chính phủ thương lượng không chuyên nghiệp.
Cho dù Bắc Triều Tiên có thái độ quyết liệt, hy vọng đối thoại liên Triều chưa hoàn toàn sụp đổ và nó phụ thuộc vào cách chính phủ Lee giải quyết vụ việc. Điều tốt nhất mà Tổng thống Lee có thể làm bây giờ là cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán. Quả bóng vẫn còn ở trong sân ông Lee, nhưng ở vị thế mà Triều Tiên đã ghi bàn.
Theo Võ Phương
Sài Gòn tiếp thị