Sức mạnh quân sự
Trong những thành tựu chính phủ Nga gặt hái giai đoạn 2012-2018, xét về mức độ trang bị vũ khí và thiết bị hiện đại cho quân đội Nga năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu cho biết, đã đạt 59%, cao gấp 3,6 lần so với năm 2012 (tại thời điểm đó chỉ số là 16%). Trong giai đoạn 2012-2017, quân đội Nga đã nhận được hơn 58.000 đơn vị và nhiều tổ hợp vũ khí, thiết bị khác nhau.
Siêu tăng Armata T-14 dự kiến sẽ xuất hiện trong lễ duyệt binh ngày 9.5. Ảnh: CNN
Trước đó, bình luận báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) về chi tiêu quân sự năm 2017 giảm 20%, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý, nỗ lực nhằm đổi mới kỹ thuật và công nghệ trong quân đội của Nga đã hoàn thành, do đó, đỉnh điểm chi tiêu cho vũ khí đã qua.
Thành quả đó sẽ được Nga công bố trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hôm nay (9.5). Lần đầu tiên, tiêm kích MiG-29SMT, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Su-57 và 2 máy bay MiG-31K mang tên lửa siêu thanh tối tân Kinzhal - được Tổng thống Vladimir Putin công bố lần đầu trong thông điệp liên bang ngày 1.3 - sẽ xuất hiện trên bầu trời Quảng trường Đỏ.
Nga cũng sẽ phô diễn khoảng 75 “báu vật” của không quân như máy bay ném bom hạng nặng Tu-160, Tu-95MS, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3…
Lễ duyệt binh kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 tại Quảng trường Đỏ có sự xuất hiện của 33 đội hình, tập hợp hơn 13.000 quân nhân, cùng 159 trang thiết bị và khí tài quân sự, gồm xe tăng T-14 Armata, máy bay không người lái tấn công và robot chiến đấu gắn trên xe tải.
Ngày 7.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4. Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga là 1 thành viên thường xuyên, tích cực và có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Năng lực an ninh và phòng thủ của Nga đã được chứng tỏ, và Nga sẽ liên tục dành sự chú ý cho các vấn đề trên thế giới.
Đột phá về kinh tế, công nghệ
Tổng thống Putin tuyên bố tham vọng đưa nước Nga vượt ít nhất 6 bậc vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024. Theo RT, kể từ khi ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga năm 2000 tới nay có 3 “kỷ nguyên Putin”. Nói theo khẩu hiệu tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là: “làm cho Nga ổn định trở lại” (2000-03), “khiến cho nước Nga giàu có” (2004-07) và “làm cho nước Nga được tôn trọng trở lại” (2012-17). Trong nhiệm kỳ thứ 4 và có thể là nhiệm kỳ cuối cùng, ông Vladimir Putin phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất: Đảm bảo những thành quả đó được củng cố, kể cả sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Trong phát biểu tại Điện Kremlin ngày 7.5, ông cam kết mang tới cho người dân Nga “đột phá về kinh tế và công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng ta trong những lĩnh vực quyết định tương lai chúng ta”.
Mong muốn, mục tiêu cho nhiệm kỳ mới này thể hiện rõ ngay trong sắc lệnh đầu tiên ký ngày ông nhậm chức là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, đưa Nga trở thành 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới (theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Nga hiện xếp thứ 11) cũng như cải thiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Theo RT, điều đầu tiên ông Vladimir Putin cần làm được là lựa chọn nhân sự chuẩn xác. Ngay trong ngày đầu, ông đề nghị quốc hội bổ nhiệm ông Dmitry Medvedev tiếp tục giữ chức Thủ tướng.
Nhà lãnh đạo 52 tuổi, vốn đảm nhận cương vị Thủ tướng Nga từ năm 2012, theo Bloomberg, có kế hoạch đưa Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov lên làm Phó Thủ tướng thứ nhất chịu trách nhiệm về chính sách tài chính và kinh tế. Ông Vladimir Putin cũng đang cân nhắc bổ nhiệm Alexei Kudrin - cựu Bộ trưởng Tài chính phương Tây đánh giá cao, tham gia vào nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ tổng thống trong các vấn đề kinh tế quốc tế, trọng tâm là xây dựng liên kết kinh tế của Nga với Mỹ, Châu Âu.
“Bây giờ, chúng ta phải sử dụng tất cả các nguồn lực sẵn có để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách nhất trong nước”- nhà lãnh đạo 65 tuổi nhấn mạnh.