Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Thái Lan sáng 28/11, chỉ có 134 hạ nghị sĩ phản đối sự lãnh đạo của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, trong khi có 297 người vẫn ủng hộ. Như vậy, bà Yingluck sẽ tiếp tục làm thủ tướng Thái Lan cho đến hết nhiệm kỳ, tức gần hai năm nữa. Cùng với vị trí Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan cũng vượt qua cuộc bỏ phiếu của Hạ viện khi số phiếu bất tín nhiệm không vượt quá nửa số phiếu cần thiết.
Cuộc bỏ phiếu là nỗ lực nhằm hạ bệ bà Yingluck của đảng Dân chủ đối lập, sau khi những căng thẳng trên chính trường và đường phố Thái Lan bùng phát trở lại từ hồi đầu tháng.
|
Ảnh Internet |
Những mâu thuẫn cũ
Sự bình lặng tương đối trên chính trường và đường phố Thái Lan kể từ sau cơn chấn động 2010 khiến hơn 90 người thiệt mạng, bỗng chốc bị phá vỡ. Nguyên nhân trực tiếp là Dự thảo Luật Ân xá của đảng Vì nước Thái. Nhưng sâu xa hơn là những mâu thuẫn tích tụ lâu ngày trong xã hội Thái chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo. Là hình bóng cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin vẫn ảnh hưởng, gây phân cực sâu sắc chính trường và xã hội xứ Chùa Vàng.
Sự việc bắt đầu khi Chính phủ Yingluck đưa ra Dự thảo Luật Ân xá, nhằm miễn tội cho tất cả những người dính líu tới các xung đột chính trị ở Thái Lan trong những năm qua. Thượng viện nước này đã bác bỏ Dự luật mà nhiều người tin là kế hoạch để mở đường cho sự trở về của ông Thaksin- anh trai của Thủ tướng Yingluck- mà không bị rắc rối gì về mặt pháp luật. Không chỉ vậy, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck vừa qua lại tiếp tục chao đảo bởi các bất ổn chính trị sau khi Tòa án Hiến pháp ngày 20/11 ra phán quyết coi việc thay đổi thể thức bầu chọn thượng nghị sĩ do Đảng Vì nước Thái đề xướng là vi hiến. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền do Đảng này dẫn đầu đã bác bỏ phán quyết của Tòa án với lý do sửa đổi Hiến pháp là quyền của Nghị viện.
Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, bà Yingluck luôn bị cáo buộc cho rằng bà chỉ là con rối, chịu sự điều khiển, sai khiến của người anh Thaksin. Tuy nhiên, những cáo buộc đó không phải lúc nào cũng đúng, cách xử lý các vấn đề cấp bách của bà Yingluck không ít lần khiến các đối thủ chính trị là nam giới cũng phải thán phục.
Thực tế thì, mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đất nước Thái Lan hơn 7 năm qua nhưng ông này vẫn là một nhân vật gây chia rẽ, phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Ông này vẫn được hàng triệu người dân vùng nông thôn, người dân nghèo ở đất nước Thái Lan tin yêu ủng hộ vì chính sách dân túy của ông khi còn tại vị. Trong khi đó, cũng có rất nhiều người thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu lại ghét cay ghắt đắng ông Thaksin. Chính vì lẽ đó, chính trường Thái Lan luôn chứng kiến sự đối đầu giữa phe áo vàng chống đội cựu Thủ tướng Thaksin và phe áo đỏ ủng hộ ông này.
Thái Lan sẽ đi về đâu?
Mặc dù bà Yingluck đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 28/11 nhưng những mâu thuẫn nội tại trong chính trường Thái đã bị phơi bày, và những cuộc biểu tình trên đường phố ở Thái Lan vẫn đang diễn biến phức tạp. Cho dù trước đó Thủ tướng Yingluck đã áp dụng Luật An ninh Nội địa (ISA) tại tất cả các quận ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận nhưng biểu tình vẫn lan rộng, người biểu tình xông vào chiếm giữ một loạt trụ sở các bộ, ban, ngành của chính phủ và 25 trụ sở các cơ quan trọng yếu ở các tỉnh miền Nam.
Chiều 28/11, Thủ tướng Yingluck lên truyền hình tuyên bố cam kết chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đất nước và kiểm soát được tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra bạo lực đổ máu. Bà Yingluck để ngỏ khả năng đối thoại với các nhóm biểu tình chống đối, song không chấp nhận những đề nghị bất khả thi, vì vi phạm Hiến pháp.
Các cuộc biểu tình đến nay phần lớn diễn ra trong hòa bình, nhưng cũng xuất hiện lo ngại cho rằng những cuộc biểu tình này có thể biến thành bạo lực đường phố. Cho đến nay, quân đội vẫn giữ trung lập nhưng một khi căng thẳng được đẩy lên đến mức mà chính phủ hiện thời không thể tiếp tục duy trì nổi pháp quyền hoặc không giữ được mọi việc trong tầm kiểm soát thì rất có thể quân đội sẽ nhảy vào, việc họ từng làm năm 2006. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, kịch bản này rất khó xảy ra.
Cùng chung suy nghĩ này, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Chaturon Chaiseng không tin sẽ có đảo chính nhưng thừa nhận chính phủ nước này cần "lấy lại được lòng tin và sự tín nhiệm của người dân" vào hệ thống nghị viện.
Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua lệnh bắt giữ lãnh đạo các cuộc biểu tình, cựu nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập Suthep Thaugsuban. Ông này đã kêu gọi và trực tiếp chỉ đạo hàng nghìn người biểu tình xông vào chiếm giữ một loạt trụ sở của các bộ trong một nỗ lực nhằm gây sức ép mạnh mẽ buộc bà Yingluck phải từ chức. Ông Suthep cũng bác bỏ mọi lời đề nghị đối thoại từ chính phủ và tuyên bố, “dân chúng sẽ cải cách chính trị đất nước, các chính trị gia không có vai trò trong cuộc cải cách”.
Cảnh sát cũng đang thu thập thêm bằng chứng chống lại các thủ lĩnh biểu tình khác. Tuy nhiên, Tòa án hình sự Thái Lan sẽ không cáo buộc tội danh cho quá nhiều người để không kích động thêm sự chống đối từ người biểu tình và làm tình hình leo thang.
Với những diễn tiến trên chính trường Thái Lan thời gian qua, đa số các nhà quan sát chính trị chung nhận định, những bất ổn chính trị sẽ còn kéo dài khi những mâu thuẫn sâu xa trong nội tại nó không được hóa giải thì nụ cười sẽ chưa thể trở về với đất nước mang tên Nụ cười./.
Theo Hạnh Nhân
Tổ Quốc