Thậm chí, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan còn tuyên bố, NTC là tổ chức duy nhất đại diện cho người dân Libya và chính phủ Libya. Vì thế, trong thời gian tới, UAE sẽ thiết lập quan hệ với NTC ở mọi cấp độ. Như vậy, tính đến nay, đã có ít nhất 12 nước công nhận sự tồn tại của NTC gồm Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Australia, Jordan, Malta, Qatar, Senegal, Gambia...
Trước sự ủng hộ ngày càng lớn của các nước đồng minh với Libya, Mỹ cũng bắt đầu hối thúc nhiều tổ chức khác gây sức ép buộc Tổng thống Moammar Gadhafi từ chức, Hãng Reuters đưa tin rằng, hôm 12/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại tiếp tục kêu gọi Liên minh châu Phi (AU) có những tác động mạnh tới chính quyền Tripoli.
Phát biểu trước đại diện 53 nước thành viên AU tại Addis Ababa, bà Hillary Clinton đã đưa ra những đề xuất về cải tổ chính trị và kinh tế ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi cũng như gợi mở về những gói hỗ trợ mới mà chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể thực hiện để giúp các nước khác trong khu vực duy trì an ninh-chính trị và củng cố nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cơn đại suy thoái kinh tế thế giới.
Hãng BBC đưa tin, quốc gia láng giềng của Libya là Tunisia đã có những động thái ủng hộ mạnh mẽ đối với lực lượng chống đối Libya. Cụ thể là theo ghi nhận của phóng viên BBC, các thành viên của lực lượng chống đối thường xuyên nhận được vũ khí hạng nặng các loại được đưa vào Libya từ vùng biên giới với Tunisia.
Ban đầu chỉ có các cá nhân hoặc nhóm nhỏ chuyển lậu vũ khí vào, nay hoạt động vận chuyển vũ khí càng trở nên rầm rộ với những chuyến hàng lớn. Trong số những vũ khí này có nhiều loại hiện đại do các thành viên của NATO cung cấp cho lực lượng chống đối.
Cho đến chiều 13/6, chiến sự ở Libya vẫn diễn tiến phức tạp. Ngoài các cuộc giao tranh tại những thành phố lớn, giờ đây, quân đội chính phủ Libya và lực lượng chống đối còn giành giật nhau từng tấc đất trong các vùng hoặc thị trấn có trữ lượng dầu mỏ lớn hoặc có các dàn khai thác dầu. Cụ thể là tại thị trấn Brega, phía Đông nước này, lúc thì quân đội chính phủ giành quyền kiểm soát, lúc lại bị lực lượng chống đối đánh bật. Khu vực Ajdabiyah cũng chứng kiến những cảnh tương tự.
NATO cũng hỗ trợ lực lượng chống đối chiến đấu bằng các trận không kích mới nhằm vào trụ sở quân đội chính phủ hoặc trụ sở các cơ quan chính phủ ở địa phương.
Trước những sức ép mới ngày càng gia tăng này, Tổng thống Moammar Gadhafi vẫn kiên quyết không từ chức. Phát ngôn viên chính phủ Libya Mussa Ibrahim hôm 12/6 còn nhấn mạnh, chính quyền nước này từ chối mọi cuộc đàm phán về khả năng nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi rời khỏi đất nước bởi ý tưởng này là "bất hợp pháp và vô nghĩa". Bộ Ngoại giao Algeria cũng cải chính tin nói rằng ông Moammar Gadhafi sẽ sang sống lưu vong ở nước này.
Theo thông báo của ông Mussa Ibrahim, quân đội chính phủ đã bắt giữ một số người của lực lượng chống đối trong cuộc giao tranh ở Zawiyah, cách thủ đô Tripoli 50km về phía Tây và "đang đàm phán để những người khác đầu hàng"... Ông Mussa Ibrahim cũng cho biết, Libya mong chờ chuyến thăm Tripoli của đặc phái viên Nga Mikhail Margelov để tìm giải pháp cho cuộc xung đột và xác định tương lai cho người dân Libya
Theo Sông Thương
CAND