Thêm tình tiết mới vụ tấn công khủng bố Tân Cương
Thứ ba, 28/01/2014 13:53 (GMT+7)
Truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố thêm những tình tiết mới trong vụ đánh bom ở Tân Cương dẫn đến cuộc đấu súng giữa cảnh sát và các tay súng khủng bố.
|
Cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc tuần tra tại Tân Cương |
Hãng tin Tân Hoa Xã nói cảnh sát Trung Quốc xác định những vụ nổ liên hoàn khiến ít nhất 2 dân thường thiệt mạng và 2 người khác bị thương là "hành động khủng bố của một số người Duy Ngô Nhĩ cực đoan".
Vụ việc bắt nguồn lúc 18h40 hôm 24/1 vừa qua khi 2 vụ nổ xảy ra tại một hiệu làm tóc và một chợ rau ở Tân Cương khiến 1 người chết và 2 người bị thương.
Vụ nổ tiếp theo xảy ra khi một chiếc xe bị tình nghi chở tội phạm đang bị cảnh sát bao vây bỗng tự phát nổ và làm chết 2 người bên trong.
Người cầm đầu các cuộc tấn công nói trên được cho là Ibrahim Qahar. Cảnh sát Trung Quốc nói Ibrahim Qahar truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vào Tân Cương từ tháng 5 năm ngoái.
Sau đó, Ibrahim tụ tập được 17 thành viên đến sống tại một khu nhà trọ và lên kế hoạch cũng như sản xuất các thiết bị nổ tại đây.
Nhóm khủng bố đi trên ba chiếc xe máy rồi ném chất nổ vào một chợ rau và một tiệm cắt tóc khiến hai thường dân chết tại chỗ.
Sáu nghi phạm khủng bố bị cảnh sát bắn chết trong khi sáu nghi phạm khác tự sát bằng các thiết bị nổ của chính mình. Năm nghi phạm còn lại trong nhóm khủng bố của Ibrahim bị bắt sống.
Vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương khiến tình trạng bất ổn tại đây tiếp tục gia tăng.
Bắc Kinh đổ lỗi cho Nhóm Hồi giáo vũ trang Đông Turmenistan trong khi phát ngôn viên Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ thế giới tại Đức nói người Hán đang dần chiếm hết đất đai của tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Tổ chức này cũng cho rằng các vụ bạo loạn đã nổ ra sau khi chính quyền sở tại cho phép bán thịt lợn nguyên con tại chợ trong khi tín ngưỡng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cho đây là loại thịt dơ bẩn.
Khu tự trị Tân Cương trở nên bất ổn từ tháng 4 năm ngoái sau các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Duy Ngô Nhĩ khiến Trung Quốc áp dụng thiết quân luật tại nơi này.
Giới chức Trung Quốc ước tính 100 người đã thiệt mạng kể từ khi bạo lực bùng phát, trong đó có nhiều cảnh sát.
Trước đó, trong năm 2009 gần 200 người - chủ yếu là người dân tộc Hán đã bị giết sau khi cuộc bạo loạn nổ ra ở thủ phủ Urumqi giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ - được coi là dân tộc bản địa ở Tân Cương.
Theo Văn Việt
VTC