Tổng Putin nói gì sau Thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Helsinki?

Thứ ba, 17/07/2018 14:09
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, rất nhiều thứ đã thay đổi tích cực trong cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 16/7, Tổng thống Putin nói rằng: “Rất nhiều thứ đã thay đổi trong cuộc gặp ngày hôm nay. Cuộc gặp này mở ra một con đường. Nó là sự khởi đầu. Chúng tôi đã tạo ra một sự khởi đầu tốt”. 

leftcenterrightdel
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào chiều 16/7 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: ABC News 

Nga sẵn sàng giải quyết các bất đồng với Mỹ 

Ông Putin nói rằng Nga đã chuẩn bị để gia hạn Hiệp ước START khi hiệp ước này hết hạn vào năm 2021. “Vào năm 2021, Hiệp ước START mới sẽ hết hạn, vậy chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Tôi đã tái khẳng định với Tổng thống Trump rằng Nga luôn sẵn sàng gia hạn Hiệp ước này, nhưng chúng tôi cần phải nhất trí về các điều khoản cụ thể trước vì phía Nga cũng có vài câu hỏi với các đối tác Mỹ”. 

Ông Putin cũng cho biết thêm, Mỹ không hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước, nhưng điều đó là để cho các chuyên gia quyết định. Ông cũng nói rằng, việc Nga phát triển các vũ khí mới là để đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (Hiệp ước ABM). 

“Điều đó không phải là không có nguyên nhân. Việc các vũ khí mới của Nga được chế tạo là để đối phó với việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM”, ông Putin nói. 

Hơn nữa, Moscow hy vọng Nga và Mỹ sẽ có thể tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả 2 bên với sự tôn trọng sự ổn định chiến lược, trong đó có Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). “Tôi hy vọng về sự ổn định chiến lược, chúng tôi có thể tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho cả 2 phía, trong đó có cả Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung, cũng như tên lửa tầm ngắn và tầm trung”. 

Nỗ lực cô lập Nga đã thất bại 

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại. “Tôi nghĩ bạn cũng tự thấy rằng những nỗ lực đó đã thất bại, và nó cũng chưa bao giờ thành công”. 

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nước Nga đối với an ninh quốc tế, nền kinh tế quốc tế và sự đóng góp của Nga đối với thị trường năng lượng thế giới là quá lớn nên khó có thể bị trừng phạt hay bị cô lập. 

Ông Putin nói rằng Mỹ và Nga cần phải tìm cách giải quyết những thách thức chung, những lo ngại chung. Cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cùng ngày là một sự khởi đầu tốt. Ông nhấn mạnh, Nga quan tâm tới việc duy trì an ninh, sự ổn định chiến lược và các mối quan hệ kinh tế với Mỹ.  

Về việc NATO có khả năng kết nạp Ukraine hay Grudia, ông Putin nói:  “Việc chuyển các cơ sở hạ tầng của NATO tới gần các đường biên giới Nga sẽ là mối đe dọa, và sự phản ứng sẽ rất gay gắt”. 

Sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề quốc tế 

Liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ông Putin nhấn mạnh, điều này cần có sự đảm bảo quốc tế và Nga sẵn sàng trợ giúp. 

“Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã đóng góp rất nhiều, ông ấy đã làm không ít điều để giải quyết vấn đề này, nhưng để đạt được mục đích phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, sẽ cần phải có sự đảm bảo quốc tế và Nga sẵn sàng đóng góp vào mục tiêu này nếu cần thiết”, ông Putin nói. 

Tổng thống Nga cho biết, ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận cả về vấn đề hạt nhân Iran. Cả hai nhà lãnh đạo đã bắt đầu đạt được sự hiểu biết về các vấn đề tối quan trọng đối với mỗi nước. Điều này đánh dấu sự thay đổi tích cực sau cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 16/7 ở Helsinki. 

Quan hệ Nga - Mỹ không nên bị ảnh hưởng vì các cáo buộc 

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Putin cũng giải thích quan điểm của ông về cái được gọi là “sự can thiệp của Nga” vào bầu cử Mỹ. Ông nói rằng, vấn đề này cơ bản là kết quả của sự “đấu đá” chính trị nội bộ Mỹ. “Đây là trò chơi chính trị nội bộ ở Mỹ. Không cần thiết phải liên quan vào sự ‘đấu đá’ chính trị nội bộ này”. 

Ông cho biết thêm: “Đối với tôi, rõ ràng điều này được sử dụng trong cuộc chiến chính trị nội bộ, và nền dân chủ Mỹ sẽ không tự hào về việc sử dụng phương pháp “bẩn” như thế này trong sự đối địch chính trị”. 

Hơn nữa, Moscow cũng rất ngạc nhiên khi Văn phòng công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn chưa gửi một yêu cầu chính thức nào liên quan tới việc kết tội 12 nhân viên tình báo của Nga khi mà hiệp ước tội phạm Nga - Mỹ vẫn đang có hiệu lực. 

“Với Mỹ, chúng tôi có một hiệp ước từ năm 1991 về hỗ trợ tư pháp đối với các trường hợp tội phạm. Nó vẫn có hiệu lực và hiệu quả cho tới nay. Tại sao Công tố viên đặc biệt Mueller không gửi cho chúng tôi yêu cầu chính thức theo khuôn khổ của thỏa thuận này? Các nhà điều tra của Nga sẽ làm việc phù hợp với Hiệp ước. Họ tự hỏi mình rằng các đối tác Mỹ đang nghi ngờ điều gì đó. Vì sao không có một yêu cầu nào được đưa ra? Không ai gửi dù là một lá thư chính thức hay lời đề nghị chính thức. Đó là điều khiến tôi bất ngờ”./. 

Theo Thùy Linh/VOV.VN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra