Tổng thống Erdogan đối mặt với thách thức ngoại giao nhiệm kỳ mới

Thứ ba, 10/07/2018 12:50
Về mặt đối ngoại, chính quyền mới của Tổng thống Nhổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước.

Hôm 9/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống mới kéo dài 5 năm, với việc được trao thêm nhiều quyền lực hơn theo hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên, về mặt đối ngoại, chính quyền mới của ông Erdogan cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức phía trước. 

leftcenterrightdel
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan Erdogan vấy chào người ủng hộ ở Istanbul. Ảnh: AP. 

Truyền thông khu vực ghi nhận buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng với sự hiện diện của hơn 22 đại diện quốc gia từ khu vực Balkan như Serbia, Bosnia, Macedonia, Moldova, Kosovo, Bulgaria... đến các nước Trung Đông và châu Phi. 

Buổi lễ là một dấu mốc quan trọng đối với Tổng thống Erdogan khi chính quyền của ông chính thức bắt đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ, với việc chuyển đổi từ chế độ Nghị viện sang chế độ Tổng thống điều hành. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã ca ngợi “đây là một ngày lịch sử”, mở ra một trang mới trong lịch sử đất nước. Phát biểu bên ngoài dinh Tổng thống ở Ankara, ông Erdogan cho biết cuộc họp đầu tiên của nội các mới sẽ được tổ chức vào ngày thứ Sau tới. 

Tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/6 với 52,6% số phiếu bầu, ông Erdogan tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo đất nước kể từ khi ông lên nắm quyền từ năm 2003, với vai trò ban đầu là Thủ tướng. Theo chế độ mới, vị trí Thủ tướng giờ đây sẽ bị xóa bỏ và Tổng thống sẽ nắm toàn bộ quyền hành pháp và có thể công bố các sắc lệnh. 

Giới phân tích đánh giá, trong nhiệm kỳ mới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ đối mặt với nhiều khó khăn cần giải quyết về mặt đối ngoại liên quan đến mối quan hệ của nước này với Nga, Mỹ, với các EU, với các nước Hồi giáo hay vấn đề liên quan đến xung đột ở Syria, vấn đề người di cư. 

Thứ nhất, còn tồn tại những bất đồng chưa được giải quyết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd hay liên quan tới việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen. Một trong những trở ngại chính là sự ủng hộ của Mỹ đối với các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là "khủng bố". 

Thứ hai, bối cảnh khu vực mới đang đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào một thách thức khác chính là lựa chọn giữa xu hướng thân Mỹ hay thân Nga khi mà nước này là đối tác của Nga trong liên minh hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Syria và việc ký kết mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga mà Mỹ cho rằng không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO. 

Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Syria cũng là một thách thức đối trong chính sách đối ngoại của ông Erdogan, trong đó có vấn đề an ninh biên giới. Cùng với đó là vấn đề 3,5 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu cũng rất căng thẳng kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/2016./. 

Theo Thế Nguyễn/VOV-Cairo

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra