Tổng thống Mexico thông qua cải cách tư pháp: Đổi mới hệ thống kỷ luật
Thứ năm, 19/09/2024 13:00 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador vừa ký sắc lệnh thông qua những cải cách tư pháp sâu rộng. Tuy nhiên, các cải cách này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều lo ngại ảnh hưởng đến tính độc lập của ngành Tư pháp.
Trong Công báo Liên bang, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador chính thức xác nhận hiệu lực của các cải cách tư pháp sau khi ông phê chuẩn các sửa đổi Hiến pháp. Những cải cách này hứa hẹn sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống tư pháp Mexico, nhưng cũng vấp phải nhiều tranh cãi từ phía các nhà hoạt động nhân quyền và giới chuyên gia.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là quy định bổ nhiệm các thẩm phán, chánh án và bộ trưởng giờ đây sẽ thông qua bầu cử phổ thông, thay vì quy trình bổ nhiệm như trước. Ngoài ra, số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ giảm từ 11 xuống còn 9 người, đồng thời giới thiệu thêm các quy tắc mới về thủ tục tư pháp.
|
|
Tòa án Tối cao Mexico (Ảnh: Wikimedia Commons) |
Một cải cách quan trọng khác là việc thay thế Hội đồng Tư pháp Liên bang, cơ quan được thành lập từ năm 1994 với nhiệm vụ đảm bảo kỷ luật và hành chính trong ngành tư pháp. Theo quy định mới, Hội đồng Tư pháp Liên bang sẽ bị thay thế bởi Tòa án Kỷ luật Tư pháp và một cơ quan quản lý hành chính tư pháp. Hai cơ quan này sẽ lần lượt đảm nhiệm việc giải quyết các vấn đề kỷ luật và quản lý hành chính trong hệ thống tư pháp.
Các cải cách trên đã được Thượng viện Mexico thông qua với tỷ lệ 86 phiếu thuận và 41 phiếu chống. Tuy nhiên, trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều người biểu tình đã tụ tập tại trụ sở Thượng viện để phản đối, khiến phiên họp phải dời sang địa điểm khác. Những người phản đối cho rằng các cải cách này có thể làm suy yếu tính độc lập của ngành Tư pháp.
Tổng thống López Obrador bảo vệ các cải cách của mình, cho rằng đây là bước tiến để giảm thiểu tham nhũng trong hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, Tổ chức Washington về Mỹ Latinh (WOLA), một tổ chức nhân quyền, đã đưa ra cảnh báo rằng việc bổ nhiệm các quan chức tư pháp qua bầu cử phổ thông có thể làm suy yếu tính khách quan của ngành Tư pháp. WOLA cũng lo ngại rằng các cải cách này có thể cho phép chính quyền lạm dụng quyền lực, như việc bắt giữ tùy tiện mà không bị giám sát tư pháp.
Dù các cải cách đã có hiệu lực, cần phải có thời gian để đánh giá tác động của chúng, đặc biệt là trong cuộc bầu cử các vị trí tư pháp dự kiến diễn ra vào năm 2025. Liệu những thay đổi này có giúp củng cố tính minh bạch và liêm chính, hay sẽ tạo ra những nguy cơ mới cho hệ thống tư pháp Mexico vẫn còn là câu hỏi lớn.
Dương Nguyễn (Theo JURISTnews)