Venezuela: Vật vã trong khủng hoảng

Thứ năm, 14/03/2019 09:23
Đã nhiều ngày liên tiếp 21/23 bang của Venezuela rơi vào cảnh mất điện. Hàng loạt hoạt động bị tê liệt, hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu thức ăn, nước uống. Quốc hội Venezuela đã phải ban bố “tình trạng báo động”. Mọi sự cho thấy con đường thoát khỏi khủng hoảng của Venezuela còn mãi mịt mù.

Khủng hoảng toàn diện

“Đất nước trong bóng tối”  là cụm từ vừa mang nghĩa bóng vừa là sự miêu tả thực tế đáng quan ngại của Venezuela khi tình trạng mất điện diện rộng bắt đầu từ chiều 7/3 đến nay vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến gần như toàn bộ 23 bang của đất nước Nam Mỹ này.

Rạng sáng ngày 11/3, việc một nhà máy điện ở thủ đô Caracas của Venezuela lại phát nổ càng khiến tình trạng mất điện thêm tồi tệ. Việc mất điện dài ngày đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu của Venezuela, khiến hàng triệu người đối mặt với cuộc khủng hoảng nước và lương thực, các trường học, công sở tiếp tục đóng cửa.

Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát ngày 11/3 đã ban bố “tình trạng báo động quốc gia”. “Không có gì là bình thường ở Venezuela, chúng tôi sẽ không cho phép coi thảm kịch này là bình thường, đó là lý do tại sao chúng tôi cần sắc lệnh tình trạng báo động quốc gia” - Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 11/3.

Công ty Điện lực Quốc gia Venezuela cho biết đợt mất điện này diễn ra do một sự cố tại nhà máy thủy điện Simon Bolivar, trong khi Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng đây là hành động phá hoại do Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận mọi sự liên quan tới đợt mất điện này ở Venezuela.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido phát biểu trong cuộc họp Quốc hội tại thủ đô Caracas ngày 11/3.

Nhưng điều đáng nói là chuỗi ngày mất điện dài ngày lần này không phải là cơn sóng khủng hoảng đầu tiên ập đến Venezuela. Manh nha từ thời kỳ cuối của chính quyền Tổng thống Hugo Chavez, khủng hoảng thực sự bùng phát khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền vào năm 2013. Vào thời điểm cuối năm 2018, trung bình cứ 19 ngày giá cả tại Venezuela lại tăng gấp đôi, tỷ lệ lạm phát lên tới ngưỡng 1,37 triệu %. Nhiều người Venezuela đã từng ngán ngẩm mà rằng đồng tiền nước họ đã trở nên mất giá đến mức để mua hàng, phải cần đến cả... xe tiền.

Nền kinh tế Venezuela suốt gần 6 năm qua luôn rơi vào tình trạng “rơi tự do”. Trong vòng 6 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã giảm một nửa. 

Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người dân Venezuela. Các chương trình phúc lợi xã hội giảm sút, điển hình là chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Hệ thống giao thông công cộng trở nên yếu kém và không đáp ứng nhu cầu người dân... Hệ lụy, đơn cử như căn bệnh sốt rét trở lại cho dù Venezuela đã được chứng nhận là nước Mỹ la tinh đầu tiên xóa sổ căn bệnh này vào năm 1961. Một thống kê cuối năm 2017 cho thấy 9/10 người dân Venezuela nói rằng họ không đủ tiền để mua lương thực hàng ngày, 8,2 triệu người chỉ ăn 2 bữa/ngày hoặc ít hơn. 

Mọi sự tồi tệ đến mức ước tính từ năm 2013 đến nay khoảng 3 triệu người Venezuela đã di cư ra nước ngoài để thoát khỏi tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men trong nước.

Tình hình chính trị tại Venezuela cũng ảm đạm không kém. Mọi sự bất ổn kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro dẫn dắt Venezuela từ năm 2013. Ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai từ ngày 10/1/2013 sau một cuộc bầu cử bị nhiều người tẩy chay, thậm chí gọi đây là cuộc “bầu cử giả dối”.

leftcenterrightdel

Thủ đô Caracas chìm trong bóng tối. 

Khủng hoảng chính trị càng trở nên trầm trọng trong vòng  gần 2 tháng qua, nhất là khi ngày 23/1/2019 vừa qua, lãnh đạo đảng đối lập Juan Guaido cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro đã “tiếm quyền” đồng thời tự nhận sẽ đảm nhận mọi vai trò của một “tổng thống lâm thời” và cam kết sẽ thành lập ra một chính quyền lâm thời giúp kinh tế Venezuela thoát khủng hoảng.

Tình hình càng như “lửa đổ thêm dầu” khi chính quyền Mỹ dùng nhiều biện pháp để gây sức ép lên Tổng thống Maduro và củng cố quyền lực của ông Guaido. Ông Maduro thường xuyên cáo buộc Mỹ cố tình gây bất ổn cho nước này để chiếm nguồn dầu mỏ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng ủng hộ ông Guaido, gọi ông Maduro là lãnh đạo “không hợp pháp”. Mới đây nhất, trong một tuyên bố ngày 11/3 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ sẽ rút tất cả nhân viên ngoại giao còn lại khỏi Venezuela trong tuần này.

Bao giờ vàng son trở lại?

Nhìn một Venezuela chìm đắm trong khủng hoảng ngày hôm nay, khó có thể hình dung rằng Venezuela trong giai đoạn thập niên 1970 từng là quốc gia giàu nhất tại Mỹ Latinh và là cường quốc tại khu vực Nam Mỹ trong thập niên 1980. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela thậm chí còn cao hơn nhiều nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Israel.

Dân số Venezuela phần lớn ở đô thị, đều có nước uống sạch, được tiếp cận các thiết bị điện, an toàn vệ sinh thực phẩm và được giáo dục bài bản. Venezuela đã từng được ca ngợi như một ngọn hải đăng của nền dân chủ ở châu Mỹ.

Công nghiệp dầu mỏ đã đóng góp nhiều nhất cho kinh tế Venezuela, tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn một nửa ngân sách nhà nước. 

Quá khứ vàng son là vậy nhưng làm sao để có một nền kinh tế - chính trị - xã hội ổn định trở lại, chứ chưa nói đến thịnh vượng, đã là điều tới thời điểm này vẫn còn quá bế tắc đối với Venezuela. 

Dễ thấy một điều, muốn phát triển, trước hết phải bình ổn. Trước những diễn biến ngày càng căng thẳng tại Venezuela, cộng đồng quốc tế đã bàn tới một giải pháp cho những bất đồng chính trị tại quốc gia này, trong đó, điều quan trọng nhất là các nước tránh xa sự can dự trực tiếp vào quốc gia Nam Mỹ này đồng thời tự bản thân các bên đang đối đầu tại Venezuela: chính phủ của Tổng thống Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cần phải bước vào một “tiến trình đối thoại quốc gia một cách chân thành vì lợi ích của đại bộ phận người dân Venezuela”, vì một  giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, khi sự toan tính lợi ích giữa các bên còn tồn tại, nói dễ nhưng thực sự, làm không dễ.


Theo Congluan.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra