Vụ chìm tàu Hàn Quốc: Triều Tiên không hề chia buổn
Thứ hai, 21/04/2014 09:39 (GMT+7)
Theo thống kê mới nhất sáng sớm 21-4, đã có 64 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu Sewol của Hàn Quốc.
Theo thống kê mới nhất sáng sớm 21-4, đã có 64 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu Sewol của Hàn Quốc.
Chiến dịch tìm kiếm bước vào ngày thứ 6 sau thảm họa nhưng hy vọng về người sống sót dường như đã tắt hẳn. Trong số 476 người trên tàu, chỉ có 174 người thoát nạn, trong đó có thuyền trưởng Lee Joon-seok và hầu hết thủy thủ đoàn.
Các quan chức cứu hộ cho hay họ dự định huy động 212 tàu – gồm 90 tàu cảnh sát biển, 32 tàu hải quân – cùng 34 máy bay và 556 nhân viên quân sự và dân sự tham gia tìm kiếm trong hôm nay.
|
Thợ lặn chiến đấu với sóng cao để vào trong xác tàu Sewol. Ảnh: Yonhap |
Lực lượng cứu hộ đã làm việc xuyên đêm 20-4 và có kế hoạch cho thợ lặn tiến vào sâu hơn trong xác tàu Sewol. Thời tiết trong khu vực có thể êm dịu trong ngày 21-4 với sóng cao khoảng 0,5 – 1 m, tầm nhìn tốt trong phạm vi 15 km.
Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã công bố 2 khu vực liên quan trực tiếp đến vụ chìm tàu là khu vực thảm họa đặc biệt, bao gồm đảo Jindo gần hiện trường và TP Ansan – nơi đặt ngôi trường trung học Danwon. Các gia đình nạn nhân sẽ được hỗ trợ tài chính từ ngân sách quốc gia và các hỗ trợ khác.
Đến hôm nay, tai nạn thương tâm này đã nhận được hơn 45 lời chia buồn đến từ các nguyên thủ quốc gia, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng không có lời nào từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, tối 16-4 (tàu Sewol chìm sáng hôm đó), ông Kim Jong-un thưởng thức màn trình diễn của ban nhạc nữ Moranbong. Đề cập duy nhất từ Bình Nhưỡng là mẩu tin ngắn trên KCNA ngày 19-4, đăng tải vụ tai nạn “gây ra nhiều thương vong” và nhấn mạnh sự giận dữ của thân nhân người gặp nạn.
Khi ông Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, qua đời vào cuối năm 2011, Seoul đã gửi lời chia buồn.
Cách Bình Nhưỡng phản ứng trước vụ tàu Sewol khiến cư dân mạng Hàn Quốc nổi giận. “Chúng tôi không cần các người hỗ trợ gì nhưng ít ra cũng phải có vài lời an ủi chứ” – một người viết trên cổng thông tin Naver.com.
Theo Hải Ngọc
Người Lao động