5 bài học kinh nghiệm trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường sắt

Thứ ba, 29/08/2023 20:30
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt luôn được Cục Đường sắt Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Quá trình thanh tra lĩnh vực đường sắt cho thấy một số kinh nghiệm thực tiễn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nhân lực, trụ sở làm việc và phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, nhưng những năm qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các đơn vị Thanh tra - An toàn triển khai thực hiện các văn bản, chỉ đạo của cấp trên, tổ chức hoàn thành các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch được phê duyệt.

Gần đây nhất, năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra của Cục Đường sắt Việt Nam được thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về đường sắt. Cục đã hoàn thành 8/8 cuộc thanh tra theo đoàn; tổ chức kiểm tra 632 cuộc (theo kế hoạch, đột xuất); xử phạt 37 trường hợp vi phạm, phạt tiền 213 triệu đồng.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, Cục Đường sắt Việt Nam đã phát hiện nhiều thiếu sót trong hoạt động quản lý, bảo trì và tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.

leftcenterrightdel
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt được quan tâm (ảnh mt.gov.vn) 

Tồn tại, hạn chế được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra

Các tồn tại, hạn chế được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra đều được kiến nghị xử lý để các tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả liên quan đến một số nội dung sau: Có nơi, có lúc nhân viên gác ghi bỏ vị trí làm việc khi lên ban, sử dụng rượu, bia khi lên ban hay vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động; Nhân viên gác đường ngang vi phạm quy định về kỷ luật lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định có liên quan đến công tác an toàn giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ chính (ngủ khi lên ban, không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu, cấp hiệu khi lên ban, một số trang thiết bị để tác nghiệp của đường ngang bị thiếu hoặc hư hỏng; bố trí học sinh thực tập làm nhân viên gác đường ngang, sử dụng nhân viên gác ghi thực hiện kiêm nhiệm gác chắn đường ngang, nhưng không có chứng chỉ đào tạo gác đường ngang,...) Có tình trạng cá nhân kinh doanh trong phạm vi xung quanh nhà gác đường ngang, gây ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang và trật tự an toàn giao thông khu vực đường ngang. Hành lang an toàn giao thông tại đường ngang trong đô thị đều bị vi phạm về góc cắt tầm nhìn do các công trình kiến trúc hoặc nhà ở của người dân địa phương. Một số nhân viên được bố trí lái phương tiện chuyên dùng đường sắt, nhưng chưa có giấy phép theo quy định,...

Bài học kinh nghiệm

Qua thực tế hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trong thời gian qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động đường sắt; nâng cao chất lượng định hướng xây dựng chương trình và kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong đó, cần phải đánh giá, khảo sát, nghiên cứu các nhiệm vụ của đối tượng thanh tra, kiểm tra. Từ đó xác định rõ vấn đề, nội dung phải thanh tra; đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành, vận dụng linh hoạt các hình thức thanh tra, kiểm tra để phù hợp yêu cầu thực tế.

Thứ hai: Thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thời hạn quy định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng; quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng nội dung theo kế hoạch được phê duyệt; các sai phạm được phát hiện phải xử lý nghiêm, theo quy định pháp luật. Kết luận thanh tra, kiểm tra phải chính xác, khách quan, có lý, có tình, kiến nghị xử lý cần có tính khả thi.

Thứ ba: Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn liên quan, những người có chuyên môn sâu, am hiểu về từng lĩnh vực thanh tra, kiểm tra để tư vấn, hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Thứ tư: Phải tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra cho mọi đối tượng thực hiện và giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm: Nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ công chức thanh tra; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ năng thanh tra. Phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với công chức thanh tra có biểu hiện lệch lạc, vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

ThS Giảng viên Nguyễn Minh Đức - Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra