Ban hành 14 kết luận thanh tra tại 17 đơn vị
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Đồng Nai, trong Quý I năm 2025, về thanh tra hành chính, toàn ngành đã triển khai 29 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực (kỳ trước chuyển sang 13 cuộc, triển khai mới 16 cuộc). Trong đó, có 23 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 06 cuộc thanh tra đột xuất.
Đến nay, đã ban hành 14 kết luận thanh tra tại 17 đơn vị; với tổng số tiền sai phạm là hơn 16,4 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 16,4 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị xử lý hành chính 03 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 01 vụ việc.
Trong kỳ, toàn ngành Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện 51 kết luận thanh tra; trong đó có 11 kết luận được kiểm tra trực tiếp. Hiện đã hoàn thành 8 kết luận, tiếp tục theo dõi 43 kết luận chưa hoàn thành. Kết quả, thu hồi về ngân sách nhà nước 24,8 triệu đồng; tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi số tiền hơn 18 tỷ đồng.
    |
 |
Thanh tra tỉnh Đồng Nai ký giao ước thi đua năm 2025 (Ảnh: Đình Thuyết) |
Về trách nhiệm, qua theo dõi kết luận thanh tra đã xử lý hành chính 03/98 cá nhân; tiếp tục theo dõi xem xét xử lý hành chính 51 tổ chức, 95 cá nhân, 11 vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra.
Về công tác thanh tra chuyên ngành, trong kỳ đã triển khai thực hiện 83. Qua thanh tra phát hiện 100 tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổng số tiên vi phạm hơn 162 triệu đồng; đồng thời ban hành 106 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng.
Trong kỳ, Ngành Thanh tra tỉnh cũng mở 38 lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng với tổng số người tham gia là 1.697 người.
Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh Đồng nai, việc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2025 của thanh tra sở, ban ngành và thanh tra cấp huyện tương đối chi tiết và sát với thực tế với tình hình của địa phương. Vì vậy, các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành được triển khai đảm bảo theo kế hoạch, nội dung thanh tra, chất lượng công tác thanh tra ngày được nâng cao, các kết luận, kiến nghị sau thanh tra được đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành, các đơn vị cũng đã kiểm điểm những sai phạm, thiếu sót của cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Vẫn còn một số trường hợp chậm nộp, trả tiền vào ngân sách nhà nước theo kết luận, kiến nghị, quyết định thu hồi tiền của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, công tác giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra vẫn còn hạn chế như: Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các sai phạm theo kết luận, kiến nghị thanh tra vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm; việc đôn đốc, xử lý các thiếu sót, sai phạm còn chậm thời gian quy định.
Nội dung trọng tâm trong thời gian tới
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh yêu cầu toàn Ngành thanh tra tỉnh, triển khai thực hiện các cuộc thanh tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên; trong đó, tập trung thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực sau: Thực hiện thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các sở, ngành và UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng và thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; quyết định thanh tra lại các cuộc thanh tra đã được cấp sở, ngành và UBND cấp huyện đã kết luận nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật.
Về giải pháp cụ thể
Trên cơ sở xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra của các sở, ngành, địa phương; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, để không xảy ra trùng lắp, chồng chéo.
Chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra. Cần nắm rõ thông tin về nội dung thanh tra; tiên lượng được phần việc và tính phức tạp của cuộc thanh tra; khảo sát xây dựng đề cương phải đầy đủ từ đó có thể xác định được trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra.
Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phải lấy pháp luật làm căn cứ để đánh giá, đồng thời phải có quan điểm lịch sử cụ thể, trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương mà đánh giá đúng mức tính hợp lý trong hoạt động của đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Kết luận thanh tra, kiểm tra phải thật cụ thể, chính xác, bảo đảm cả tính hợp pháp, hợp lý và có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, trưởng đoàn thanh tra cần chủ động bao quát, nghiệm thu kết quả đối với thành viên đoàn thanh tra ngay trong thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra cần dành nhiều thời gian nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra trước khi kết thúc thanh tra. Từ đó tạo ý kiến thống nhất, đồng thuận giữa các thành viên đoàn thanh tra, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, kéo dài thời gian thanh tra và thời gian dự thảo kết luận thanh tra.