An Giang: Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên địa bàn

Thứ tư, 05/07/2023 15:39
(ThanhtraVietnam) - Trước tình trạng bùng nổ khai thác cát phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn các tỉnh phía Nam thời gian qua, tỉnh An Giang, được xem là địa phương có nguồn cát dồi dào tốp đầu Đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra nhiều giải pháp để ổn định trật tự trong hoạt động khai thác cát, góp phần bảo vệ tài nguyên, khoáng sản quốc gia.
leftcenterrightdel
 Khai thác cát trên sông. Ảnh: Báo AnGiang

Từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực cho đến năm 2021, tỉnh An Giang đã cấp 16 giấy phép thăm dò và 17 giấy phép khai thác cát sông (tổng số giấy phép khai thác còn hiệu lực và cấp mới từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2021 là 30 giấy phép), trong đó 1 giấy phép được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo UBND tỉnh này, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tuy nhiên hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác cát vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp cần tập trung giải quyết.

Để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhằm xử lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chất lượng chuyên môn trong việc thẩm định trữ lượng khoáng sản theo kết quả thăm dò nhằm đánh giá chất lượng, trữ lượng tài nguyên đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định để phục vụ công tác cấp phép, xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân phải thực hiện với Nhà nước.

Báo cáo tổng hợp mới đây của Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 58 giấy phép khai thác cát san lấp (thời hạn 2020 - 2029) với tổng trữ lượng hơn 67 triệu m3, tổng công suất khai thác gần 14 triệu m3/năm. Nếu chỉ tính các giấy phép trong thời hạn 2023 - 2026 thì trữ lượng cát còn lại của ĐBSCL khoảng 26 triệu m3 với công suất khai thác khoảng 12 triệu m3/năm. Trong khi đó, riêng về hạ tầng giao thông, 6 tuyến cao tốc triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 ở khu vực này cần gần 54 triệu m3 cát. Thêm vào đó là khoảng 36 triệu m3 cát cho các dự án giao thông cấp tỉnh đầu tư năm 2023, 2024.

Như vậy, dù có khai thác toàn bộ 26 triệu m3 cát còn lại (thời hạn 2023 - 2026), các địa phương ĐBSCL cũng chỉ đáp ứng được khoảng 29% nhu cầu cát cho hạ tầng giao thông trong 3 năm tới. Chưa tính mỗi năm nhu cầu cát cho xây dựng dân dụng, hạ tầng khác ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ (khu vực chủ yếu sử dụng cát từ ĐBSCL) cũng lên đến hàng trăm triệu mét khối.

Thực hiện kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện các dự án nạo vét thông luồng hoặc nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp thu hồi khoáng sản trên địa bàn tỉnh để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; các trường hợp chưa đảm bảo (nếu có) thì khẩn trương đề xuất các giải pháp khắc phục; đề xuất chấm dứt việc khai thác khoáng sản đối với các khu vực không đủ điều kiện.

Đối với các khu mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác khoáng sản, dự án nạo vét thông luồng hoặc nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp thu hồi khoáng sản mà nguồn vật liệu được xác định, khoanh định để cung cấp, phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; yêu cầu các chủ mỏ/nhà đầu tư thực hiện nghiêm việc cung cấp vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định, trường hợp phát hiện nguồn vật liệu được cung cấp cho các công trình khác hoặc bán ra thị trường không đúng quy định thì đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, dừng dự án nạo vét thông luồng hoặc nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp thu hồi khoáng sản.

Tiến hành rà soát, đôn đốc các cơ sở khai thác khoáng sản đã hết hạn Giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật; thực hiện bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi: Khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế được duyệt, khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 406/UBND-KTN ngày 17/4/2023 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường của các cơ sở khai thác khoáng sản.

Qua đó tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm lĩnh vực khoáng sản để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, sửa đổi, điều chỉnh quy định pháp luật trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; phù hợp với thực tiễn, tính chất đặc thù của hoạt động khoáng sản.

Tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác kháng sản trên địa bàn

Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu sản lượng khoáng sản kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nộp các loại thuế, phí của các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định; kiểm tra sổ sách, chứng từ, tài liệu về tài chính và các số liệu, giấy tờ liên quan làm căn cứ xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật.

Thực hiện kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, trữ lượng mỏ, hóa đơn chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm; việc cung cấp, vận chuyển, tiếp nhận nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước… không để xảy ra tình trạng lợi dụng bán ra ngoài thị trường).

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các địa bàn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép. Qua đó, kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/7/2023.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý đối với các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các Sở, ban, ngành, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và các địa phương liên quan trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, khu vực biên giới, đặc biệt là khoáng sản cát sông. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không phép kéo dài trên địa bàn quản lý./.

Vũ Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra