Sở Y tế Kon Tum:

Cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành

Thứ năm, 29/12/2022 15:46
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những kiến nghị của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đối với Sở Y tế tỉnh Kon Tum tại Kết luận thanh tra số 717/KL-MT về công tác quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Sở Y tế tỉnh Kon Tum.

Chưa triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành

Kết luận thanh tra nêu rõ, Sở Y tế tỉnh Kon Tum chưa tổ chức tập huấn về sử dụng, bảo quản, xử lý, thải bỏ về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn từ 01/01/2021 - 30/9/2022, Sở Y tế chưa thực hiện rà soát đầy đủ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cơ sở sử dụng, cơ sở cung cấp dịch vụ phun diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm trên địa bàn tỉnh. Chưa xây dựng kế hoạch và triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, mua bán, sử dụng hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, kinh phí hàng năm được cấp để tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế còn thiếu, chưa đủ.

Bên cạnh đó, việc phân công lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và lãnh đạo Sở Y tế theo dõi, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chưa thống nhất. Cụ thể, tại Quyết định 1288/QĐ-SYT, Sở Y tế tỉnh Kon Tum phân công ông Đỗ Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở phụ trách về y tế dự phòng phụ trách công tác quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và quản lý về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, cũng theo Quyết định trên, tại điểm e Khoản 1 Điều 3, việc theo dõi, chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum được phân công cho ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Sở Y tế.

Sở Y tế phân cấp cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm tiếp nhận công bố hợp quy chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum là chưa phù hợp. Sở chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

leftcenterrightdel
Sở Y tế tỉnh Kon Tum. (Ảnh internet) 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa đăng công khai các kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước sạch trên trang thông tin điện tử của Trung tâm. Giấy chứng nhận ISO/IEC 17025:2017 của Phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hết hiệu lực. Số lượng thông số đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 của Phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về chất lượng nước còn ít (18/99 thông số), do đó việc xét nghiệm ngoại kiểm đối với các đơn vị cấp nước không đủ các thông số nhóm A, B theo quy định.

Kinh phí hàng năm được cấp để tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt còn thiếu, chưa đủ cho việc thử nghiệm ngoại kiểm các thông số chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Còn 13/14 đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh chưa gửi bản công bố hợp quy về chất lượng nước sạch cung cấp cho thị trường về Sở Y tế theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT- BYT và Điều 8 QCVN 01-1:2018/BYT.

Khẩn trương xây dựng quy chuẩn về chất lượng nước sạch

Qua thanh tra, Cục Quản lý môi trường y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Kon Tum rà soát việc phân công nhiệm vụ của Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở để thống nhất việc chỉ đạo lĩnh vực chuyên môn gắn liền với đơn vị trực thuộc. Giao nhiệm vụ “tiếp nhận bản công bố hợp quy của đơn vị cấp nước trên địa bàn phụ trách” cho phòng chức năng thuộc Sở Y tế để quản lý theo quy định.

Mặt khác, tham mưu UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, công tác quản lý nhà nước về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tăng cường kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Sở Y tế cần tăng cường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc/trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho y tế các tuyến định kỳ hằng năm về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Đặc biệt, khẩn trương tổ chức việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định. Tăng cường giám sát chất lượng nước do hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; chỉ đạo việc tăng cường công tác ngoại kiểm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và tổ chức thông báo, công khai kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch theo quy định.

Rà soát các đơn vị sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trên địa bàn tỉnh để tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng chế phẩm đúng quy định tại Điều 59 Nghị định số 91/2016/NĐ-CP.

Hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và lĩnh vực quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý theo quy định hiện hành./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra