Bộ Tài chính:

Cần tăng cường thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ năm, 09/03/2023 09:22
(ThanhtraVietNam) - Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai ngay việc xây dựng, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của mình bao gồm biện pháp cụ thể để phòng, chống và hạn chế lãng phí các nguồn lực. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình.

Có kế hoạch kiểm tra, thanh tra liên quan chống lãng phí

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả THTK, CLP, phát huy cao nhất mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực quản lý được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đối với Bộ Tài chính, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc đẩy mạnh THTK, CLP để tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển ngành Tài chính.

Chương trình nêu rõ, đây là trách nhiệm của tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các dự án, các doanh nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ và công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị.

Lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng, thông qua chương trình, công tác THTK, CLP trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các đơn vị.

Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ về THTK, CLP; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các dự án, doanh nghiệp thuộc và trực thuộc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán, kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao.

Chương trình này được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; Tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Bộ Tài chính yêu cầu Chương trình do các đơn vị xây dựng phải đảm bảo thể hiện rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực quản lý, khoản mục chi ngân sách, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; tiêu chí đánh giá, chế độ tổng hợp báo cáo, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các đơn vị cần ban hành Quy chế chỉ đạo, phối hợp công tác giữa tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong đơn vị để góp phần nâng cao năng lực trong việc chỉ đạo, giám sát của cấp ủy Đảng và đoàn thể với chính quyền trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ và THTK, CLP.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP tạo chuyển biến tích cực trong THTK, CLP tại cơ quan, đơn vị.

Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cụ thể liên quan đến THTK, CLP.

leftcenterrightdel
Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Thúy Hằng 

Tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

Cuối năm 2022, Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2023 đã được ban hành tập trung vào một số nhiệm vụ như:

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Quốc hội đề ra để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD/người.

Rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan đến công tác THTK, CLP.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước.

Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, CLP ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2023; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về THTK, CLP.

Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị…

Thúy Hằng

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra