Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ giao Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám định bảo hiểm y tế (BHYT), giám sát thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Kiểm soát chặt chi phí khám chữa bệnh BHYT
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp Sở Y tế thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, phân tích, đánh giá nguyên nhân làm tăng cao chi phí, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, tổ chức kiểm tra đối với cơ sở khám chữa bệnh có chi phí tăng cao bất thường, giám sát chặt chẽ quy trình khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Triển khai thực hiện giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2024, đảm bảo sử dụng dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2024 đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Bộ Luật Hình sự tại Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
|
|
Người tham gia BHYT điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: baocantho.com.vn |
Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; thực hiện quy trình khám chữa bệnh đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định cận lâm sàng, thuốc, dịch vụ kỹ thuật, nhất là dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền; kiểm soát trong việc thông tuyến tỉnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT; gửi dữ liệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng ngày khi kết thúc lần khám bệnh và khi bệnh nhân ra viện đến Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế theo đúng quy định; thực hiện tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh khi xuất trình căn cước công dân gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc trên ứng dụng VNelD của Bộ Công an và triển khai ký số file XML theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 1843/BYT-BH ngày 10/4/2024 và phối hợp cung cấp thông tin người có thẻ BHYT chưa đồng bộ với dữ liệu căn cước công dân gắn chip để Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện đồng bộ theo chỉ đạo tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn
Song song đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố làm việc trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh có chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao theo cảnh báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh trong việc chấp hành pháp luật về BHYT; phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra, kiểm tra công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn định kỳ và đột xuất nhằm sớm phát hiện nguyên nhân gia tăng chi phí bất hợp lý để chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, Sở Y tế triển khai giải pháp yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện cam kết giảm dần chi phí bình quân chung và chi phí bình quân từng nhóm chi phí: thuốc, vật tư y tế, phẫu thuật thủ thuật, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền giường... về tương đương so với chi phí bình quân chung của cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa trên địa bàn, trong khu vực và trên toàn quốc nhằm sử dụng dự toán chi khám chữa bệnh BHYT được Chính phủ giao đạt hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và nâng cao chất lượng thụ hưởng trực tiếp của người dân.