Hà Nội:

Cần thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội

Thứ sáu, 29/03/2024 11:00
(ThanhtraVietNam) - Kịp thời giải quyết, chấn chỉnh tình trạng đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê, hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích, nâng giá hàng hóa dịch vụ và trông giữ phương tiện tại các lễ hội.

Cần kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn

Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý và tổ chức lễ hội tại thành phố Hà Nội.

Theo Kết luận thanh tra số 17/KL-TTr ngày 26/3/2024 vừa được Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích thành phố Hà Nội đã được UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, các cấp chính quyền quan tâm; các nguồn lực được đầu tư cho bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng thay đổi, trở thành một tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch của địa phương.

Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội tại các di tích được thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Phần nghi lễ được tiến hành trang trọng đúng nghi thức; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được là chính, kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tại cần chấn chỉnh, khắc phục tại các điểm di tích, cụ thể:

* Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn: tại di tích vẫn còn một số tồn tại như vệ sinh nội tự Đền Trình chưa đảm bảo, tiếp nhận một số hiện vật (lọ lục bình, đèn thờ) không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ.

* Di tích Chùa Trăm Gian: khu nội tự của di tích vẫn sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ.

* Di tích Đền Và: việc tiếp nhận một số hiện vật (lọ lục bình, đèn thờ) không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, hệ thống điện tại lầu Cô Chín chưa đảm bảo an toàn và sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ.

* Di tích Chùa Mía: vệ sinh nội tự chưa đảm bảo, hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn, tiếp nhận một số hiện vật (lọ lục bình, đèn thờ) không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, sử dụng nến cốc dễ gây cháy nổ, hàng quán trước cổng di tích chưa đảm bảo mỹ quan.

* Khu di tích Đền Sóc: khu Nhà Mẫu có hệ thống đường dây điện chưa đảm bảo an toàn công tác phòng chống cháy, nổ, tượng tả hữu bằng đất tại Đền Trình đã xuống cấp (nứt).

* Di tích Phủ Tây Hồ: khu vực vệ sinh của Phủ có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường vào thời điểm lượng du khách đến lễ và thăm quan đông.

leftcenterrightdel
 Phủ Tây Hồ. Ảnh minh họa/internet

Cần chú trọng công tác tuyên truyền về di tích và lễ hội

Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền về di tích và lễ hội; đồng thời, tuyên truyền với nhân dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại các điểm di tích. Chỉ đạo các Ban quản lý di tích, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung trong Kết luận thanh tra.

Đối với các Ban quản lý di tích, Kết luận thanh tra chỉ rõ, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, thủ từ thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không tiếp nhận hiện vật không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

Tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như: đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khẩn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hóa dịch vụ và trông giữ phương tiện; tổ chức chơi các trò chơi cờ bạc trá hình; bố trí lực lượng thu gom kịp thời tiền đặt lễ và tiền dầu nhang; hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội.

Quản lý nguồn thu, chi theo quy định; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lắp đặt hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách về tham dự lễ hội tại các điểm vào di tích.

Mặt khác, các Ban quản lý di tích cũng cần tăng cường tuyên truyền về lịch sử di tích và ý nghĩa lễ hội; đồng thời, tuyên truyền với nhân dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị cụ  thể:

* Đối với di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn: UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo Ban quản lý di tích có phương án quản lý tiền công đức tại di tích theo Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính.

* Đối với di tích Chùa Trăm Gian: Ban quản lý di tích - lịch sử văn hoá Quốc gia Chùa Trăm Gian có phương án quy hoạch tổng thể di tích trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với di tích Đền Và: Ban quản lý di tích Đền Và có phương án quy hoạch tổng thể, quy hoạch chỉ tiết di tích trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với di tích Chùa Mía: Ban quản lý di tích xã Đường Lâm có phương án bảo vệ, tu bổ tượng và quy hoạch bãi xe, hàng quản, dịch vụ tại di tích.

* Đối với di tích Đền Sóc: Trung tâm Quản lý khu Du lịch Di tích Đền Sóc Sơn có phương án tu bổ tượng tại Đền Trình trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với di tích Phủ Tây Hồ: Ban quản lý di tích có phương án trình các cấp có thẩm quyền di chuyển các ki-ốt bán hàng trong khuôn viên Phủ đến nơi phù hợp.

Tra Kết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra