Ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); các giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng; tham mưu tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc có dấu hiệu sai phạm, tiêu cực theo đúng trình tự, thủ tục; tham mưu việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định.
|
|
Một buổi công bố Quyết định thanh tra của Thanh tra tỉnh Cao Bằng. Ảnh: thanhtra.com.vn |
Toàn ngành Thanh tra tỉnh Cao Bằng đã ban hành và sửa đổi, bổ sung 84 văn bản quản lý, chỉ đạo về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN. Tổ chức 22 lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN với 3.226 người tham gia. Chủ động rà soát, điều chỉnh, đảm bảo tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác thanh tra hành chính, 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra tỉnh Cao Bằng đã triển khai 43 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; đã ban hành kết luận 30 cuộc đối với 40 đơn vị; thu hồi vào Ngân sách nhà nước hơn 315 triệu đồng và 230 m2 đất, đạt tỷ lệ 89%.
Thực hiện định hướng chương trình thanh tra năm 2022, Cao Bằng đã triển khai thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Test Kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR, thuốc phòng, chống dịch COV1D-19 trên địa bàn. Hiện đã kết thúc và công bố Kết luận 2 cuộc thanh tra.
Qua thanh tra cho thấy, trong 2 năm 2019 - 2020, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được các đơn vị y tế chủ động triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, cơ bản đảm bảo phòng, chống dịch thông qua các hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Sản phẩm mua sắm được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện thẩm quyền mua sắm, trình tự, thủ tục mua sắm; việc thực hiện thu, nộp kinh phí dịch vụ xét nghiệm nhanh như: Khi thực hiện trình tự, thủ tục mua sắm thường xuyên đối với các gói thầu giá trị > 500 triệu đồng, hồ sơ chào hàng chưa nêu đặc tính hàng hóa, một số hàng hóa có catalog bản gốc không dịch..., một số gói thầu chưa thực hiện công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định; chưa kiểm tra, đánh giá, phân tích chính xác, hợp lý việc xây dựng giá gói thầu trước khi trình phê duyệt, vẫn còn tình trạng thu phí dịch vụ xét nghiệm nhanh vượt mức quy định; trong quản lý, sử dụng sản phẩm mua sắm chưa thực hiện đúng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, dễ xảy ra thất thoát, lãng phí trong phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng đã triển khai 73 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chức năng đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đã ban hành kết luận 68/73 cuộc thanh tra, kiểm tra với 380 tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 57 tổ chức, cá nhân có vi phạm, đã thu hồi hơn 616 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.
Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN; làm tốt công tác xây dựng phát triển Ngành, công tác cải cách hành chính, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo cơ quan tham mưu thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao chất lượng báo cáo, bảo đảm có đầy đủ thông tin, phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra.
Mặc dù vậy, vẫn còn có cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Một số chậm thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ, kịp thời. Việc phối hợp trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số kết luận thanh tra còn chung chung, chưa nêu rõ cụ thể. Do vậy, công tác thực hiện sau thanh tra gặp nhiều vướng mắc, hạn chế...
Để hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, trong những tháng còn lại của năm 2022, toàn ngành Thanh tra tỉnh Cao Bằng cần tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, thực hiện trình tự, thủ tục thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tố chức, cá nhân, nhất là trên các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính...