Hà Giang bám sát chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2023 để triển khai, thực hiện nhiệm vụ

Thứ ba, 25/04/2023 19:36
(ThanhtraVietNam) - Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Từ đó, các tổ chức Thanh tra đã chủ động tập trung hoàn thành các cuộc thanh tra năm trước chuyển sang và bám sát chương trình, kế hoạch năm 2023 được phê duyệt để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đúng nội dung, thời gian theo quy định.

Thực hiện 34 cuộc thanh tra hành chính

Trong 3 tháng đầu năm, các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã triển khai, thực hiện 34 cuộc thanh tra, kỳ trước chuyển sang 22 cuộc, triển khai trong kỳ 12 cuộc, theo kế hoạch 29 cuộc, đột xuất 5 cuộc. Từ đó, đã ban hành Kết luận thanh tra đối với 16 cuộc.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra chủ yếu về quản lý, sử dụng đất, khoáng sản; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện chế độ học sinh; các khoản đóng góp, viện trợ, tài trợ; đầu tư xây dựng công trình và các chương trình mục tiêu...

Qua công tác thanh tra, đã phát hiện những vi phạm liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất; chi sai phụ cấp; thanh toán tiền không có chứng từ; chi vượt định mức; chi hỗ trợ không đúng quy định; thanh toán tiền công tác phí thừa ngày, trùng ngày với thời gian làm thêm giờ; thi công thiếu khối lượng công trình; chi hỗ trợ học viên tập huấn chương trình mục tiêu không đúng đối tượng…

Theo đó, số tiền phải thu hồi về ngân sách nhà nước (bao gồm cả kỳ trước chuyển sang) là 12.416,96 triệu đồng (đã thu 991,30 triệu đồng); số phải xử lý khác về kinh tế 5.384,37 triệu đồng.

40 cuộc thanh tra chuyên ngành được triển khai

Trong Quý 1, toàn tỉnh đã triển khai, thực hiện 40 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 38 tổ chức, 60 cá nhân (trong đó có 09 cuộc kỳ trước chuyển sang và 31 cuộc triển khai trong kỳ). Qua đó, đã ban hành kết luận thanh tra 11 cuộc. Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu là kinh doanh hàng hóa, vật tư, dịch vụ; lĩnh vực tài nguyên - môi trường; giao thông vận tải; đầu tư xây dựng cơ bản; đầu tư công; hành nghề y dược tư nhân; công tác quản lý thuốc và kinh doanh vật tư y tế; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và một số lĩnh vực khác....

Qua thanh tra, đã phát hiện 03 tổ chức, 05 cá nhân vi phạm, chủ yếu là vi phạm luật an toàn giao thông; vi phạm tải trọng xe; hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không giấy phép hoạt động; vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc và các sản phẩm không phải là thuốc; vi phạm quy định trong lĩnh vực khoáng sản.... Tổng số tiền vi phạm 217,39 triệu đồng (kiến nghị thu hồi về ngân sách 217,39 triệu đồng).

leftcenterrightdel
 Một buổi họp chuyên đề của Thanh tra tỉnh Hà Giang

Nhìn chung, với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng nỗ lực, cố gắng của cán bộ công chức ngành Thanh tra, công tác quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN) được tăng cường, các tổ chức Thanh tra đã chủ động tập trung hoàn thành các cuộc thanh tra năm trước chuyển sang và bám sát chương trình, kế hoạch năm 2023 được phê duyệt để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đúng nội dung, thời gian theo quy định.

Tuy nhiên, tiến độ thanh tra của một số Đoàn thanh tra còn chậm, kéo dài; còn xảy ra tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, PCTN của công dân còn chậm, chất lượng chưa cao. Việc triển khai sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Một số cơ quan tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực còn buông lỏng quản lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; việc xử lý, phân loại đơn chưa tốt, chất lượng giải quyết còn có nơi, có việc chưa cao, còn có vụ việc thời gian giải quyết kéo dài.

Nguyên nhân là do số lượng biên chế được giao cho ngành Thanh tra còn ít, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Thanh tra các sở ngành, các huyện, thành phố biên chế đã thiếu, lại thường xuyên luân chuyển nên đã ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ, ngoài ra lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên trình độ, nghiệp vụ của cán bộ công chức hiện có chưa đáp ứng, bao quát và chuyên sâu được hết các lĩnh vực.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra

Trong những tháng tiếp theo, UBND tỉnh Hà Giang cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 45-CT/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; Chỉ thị số 1209/CT-UBND của UBND tỉnh, về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1948/UBND-NCPC về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, triển khai có liên quan.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức thanh tra khẩn trương kết thúc và ban hành kết luận đối với các cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2022; tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2023; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các Kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; tập trung tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng và những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc mà xã hội quan tâm như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch và trật tự xây dựng... Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra; chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Đoàn thanh tra, thẩm định, công khai kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; nâng cao tỷ lệ thu hồi sau thanh tra./.

 

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra