Hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng Thanh tra CAND

Thứ ba, 16/07/2024 17:00
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân (CAND).
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Bộ Công an cho biết, qua tổng kết và khảo sát thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND và Nghị định số 25/2021/NĐ-CP ngày 24/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP cho thấy, một số quy định của Nghị định hiện nay chưa hợp lý, không có tính khả thi, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Thanh tra năm 2022. 

Cụ thể như quy định tiêu chí về quân số để bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm tại các đơn vị không có tổ chức thanh tra hiện nay nảy sinh nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra, đặc biệt là đối với Công an cấp huyện; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra, của Chánh Thanh tra trong CAND chưa thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân dẫn đến tình trạng chồng chéo giữa các văn bản, từ Nghị định của Chính phủ đến Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an cùng quy định về nội dung này.

Các quy định liên quan đến hoạt động thanh tra CAND còn nhiều bất cập, không phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Cụ thể như quy định về việc ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm, quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra và ký ban hành kết luận thanh tra, về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, việc thẩm định dự thảo và thực hiện kết luận thanh tra… Các quy định của Luật Thanh tra năm 2022 có rất nhiều nội dung mới nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp và tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, bảo đảm vai trò của hoạt động thanh tra không chỉ là công cụ của hoạt động quản lý nhà nước mà còn là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND (thay thế Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 và Nghị định số 25/2021/NĐ-CP ngày 24/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP) là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Thanh tra CAND.

Dự thảo Nghị định gồm 07 Chương 48 điều:

- Chương 1: Quy định chung

- Chương 2: Quy định về Tổ chức thanh tra Công an nhân dân

- Chương 3: Quy định về Thanh tra viên Công an nhân dân

- Chương 4: Quy định về Hoạt động thanh tra Công an nhân dân

- Chương 5: Quy định về Thực hiện kết luận thanh tra

- Chương 6: Quy định về Quản lý nhà nước về công tác thanh tra Công an nhân dân

- Chương 7: Điều khoản thi hành.

3 nhóm cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND

Điều 7 dự thảo quy định về Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND, trong đó phân chia thành 03 nhóm: Cơ quan thanh tra, Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm được bố trí tại các đơn vị không có tổ chức thanh tra.

Quy định trên được kế thừa và giữ nguyên các quy định trước đây của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2021/NĐ-CP, vì tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra CAND hiện nay vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thanh tra 2022 và các văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời đáp ứng được yêu cầu công tác đặt ra của lực lượng CAND. 

Cụ thể hóa 04 căn cứ ra quyết định thanh tra

Quy định về hình thức và căn cứ ra quyết định thanh tra tại Điều 21 dự thảo Nghị định cơ bản thống nhất với quy định tại Điều 46 và Điều 51 Luật Thanh tra, gồm 02 hình thức và 04 căn cứ.

Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra về căn cứ ra quyết định thanh tra, dự thảo Nghị định cụ thể hóa 04 căn cứ ra quyết định thanh tra để áp dụng thực hiện phù hợp và bám sát hơn trong hoạt động thanh tra CAND, cụ thể là: 

Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành căn cứ theo kế hoạch thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân (1);

Thanh tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ như: yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (2); khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền và phạm vi quản lý của Bộ Công an (3); yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân (4).

Tại căn cứ ra quyết định thanh tra đột xuất, dự thảo bổ sung căn cứ "yêu cầu của Thanh tra Chính phủ". Căn cứ này phù hợp với thực tiễn công tác nhiều năm qua của Thanh tra Bộ, phải tham mưu tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; đồng thời phù hợp với quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Bộ tại Điều 8 của dự thảo Nghị định: Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Về việc việc ban hành quyết định thanh tra, Bộ Công an cho biết, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, các cơ quan thanh tra có thể khuyết chức vụ Chánh Thanh tra hoặc có nhưng không trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị trong thời gian dài. Để bảo đảm hoạt động thanh tra được tiến hành theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, dự thảo Nghị định quy định Chánh Thanh tra hoặc Người được giao phụ trách cơ quan thanh tra được ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Quy định cụ thể nội dung thanh tra

Dự thảo quy định cụ thể nội dung công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND. 

Bộ Công an cho biết, trên cơ sở kết quả rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có 25 văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau quy định giao Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Trong đó có nội dung thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực được giao quản lý. 

Tuy nhiên, các nhiệm vụ được giao nêu trên chưa được cụ thể hóa trong các Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND trước đây, dẫn đến hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND thời gian qua chưa được tiến hành một cách đồng bộ, đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực được giao quản lý.

Vì vậy, để khắc phục thiếu sót này, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tập trung nhất cho hoạt động thanh tra chuyên ngành, dự thảo Nghị định đã hệ thống hóa và bổ sung quy định cụ thể về nội dung công tác thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND trên các lĩnh vực được giao quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo VGP

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra