Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Kết luận thanh tra công tác chấm thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023

Thứ hai, 28/08/2023 16:05
(ThanhtraVietNam) - Theo Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn bộ khó khăn, hạn chế, thiếu sót của công tác chấm thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (THPT) năm học 2022 - 2023 đã được Đoàn thanh tra kiến nghị trực tiếp với Hội đồng trong mỗi buổi chấm thi. Chủ tịch Hội đồng đã chỉ đạo, đôn đốc các thành viên của Hội đồng kịp thời rà soát, khắc phục, xử lý những khó khăn, hạn chế, thiếu sót để việc chấm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định.

Việc làm phách, chấm thi, lên điểm cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định

Công tác chấm thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023 được thực hiện từ ngày 02/3/2023 đến ngày 13/3/2023 tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Với số lượng bài thi theo từng môn: môn Toán 958 bài, môn Vật lý 972 bài, môn Hóa học 976 bài, môn Sinh học 986 bài, môn Tin học 906 bài, môn Ngữ Văn 488 bài, môn Lịch sử 461 bài, môn Địa lý 467 bài, môn tiếng Anh 972 bài, môn tiếng Nga 130 bài, môn tiếng Pháp 284 bài, môn tiếng Trung 160 bài. Tổng số: 7780 bài. Trong đó, các môn thi 02 ngày là: Toán; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Tin học. Không có bài thi vi phạm Quy chế thi.

Theo Kết luận thanh tra 1128/KL-BGDĐT ngày 03/7/2023 của Bộ GD&ĐT, việc bàn giao các túi bài chấm thi cho Hội đồng nhiều lần theo tiến độ do Hội đồng yêu cầu; các lần bàn giao với Hội đồng đều có biên bản bàn giao có sự chứng kiến của Công an thuộc Hội đồng chấm thi và ký xác nhận của Tổ trưởng Tổ phách, lãnh đạo Hội đồng, Tổ trưởng Tổ Thư ký chấm, Thanh tra, Công an trong Tổ phách.

Tuy nhiên, một số bài thi có số phách chưa chính xác được Hội đồng chuyển bàn giao lại cho Tổ làm phách kiểm tra và sửa lại đúng số phách cho thí sinh (các trường hợp trên đều được ghi nhận trong nhật ký của Công an và biên bản bàn giao, biên bản giao nhận).

Kiểm tra quy trình chấm, vào điểm cho thấy, thực tế các túi chấm (môn Sinh học, Địa lí, tiếng Pháp, Lịch sử, tiếng Trung, tiếng Anh, Hóa học, Toán, Vật lí) với tổng số bài được kiểm tra 486 bài cho thấy: Các tổ chấm đã thực hiện đúng quy định chấm 02 vòng độc lập; vào điểm, ghi điểm trên bài thi sau khi đã thống nhất đúng quy định; không có hiện tượng đánh dấu hay để lại kí hiệu trên bài thi.

Về ghép phách, lên điểm thi, sau khi hoàn thành việc chấm bài thi và ghi điểm vào biên bản chấm thi: Đại diện Tổ Chấm thi và thư ký Hội đồng nhập điểm vào máy tính theo số phách (01 người đọc điểm, 01 người nhập điểm, 01 người kiểm tra) theo đúng quy định. Sau khi nhập điểm xong, thực hiện in Biên bản vào điểm thi để đối chiếu với Biên bản chấm thi (nếu chính xác thì cả ba người cùng tham gia nhập điểm cùng ký xác nhận; chưa chính xác thì nhập lại cho đúng rồi cùng ký xác nhận).

leftcenterrightdel
Rà soát, khắc phục, xử lý những khó khăn, hạn chế, thiếu sót để việc chấm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định. Ảnh minh họa/Internet

Đối với các môn có 02 ngày thi, sau khi đã thống nhất điểm của mỗi ngày thi, Tổ trưởng báo cáo với lãnh đạo Hội đồng để bàn giao cho bộ phận làm phách thực hiện việc hội điểm từ phần mềm và nhận lại bản đối chiếu phách của các thí sinh. Điểm thi của thí sinh là tổng điểm bài thi của các ngày thi, không làm tròn. Sau khi đã hoàn thành lên điểm, túi bài thi của từng môn thi được niêm phong và Tổ Chấm thi ký niêm phong toàn bộ túi bài thi bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, Cục Quản lý chất lượng (QLCL) đã tham mưu Bộ trưởng ban hành Quyết định thành lập Hội đồng, quy định về quy trình làm phách, quy trình chấm thi, hướng dẫn chấm thi môn Tin học. Thành phần Hội đồng cơ bản đảm bảo đúng cơ cấu, đủ thành phần theo Quy chế thi.

Khắc phục tối đa những hạn chế, thiếu sót để làm tốt công tác tham mưu cho các kỳ thi của năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo

Chủ tịch Hội đồng đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, tổ chức chấm thi. Công tác quản lý, điều hành chấm thi của lãnh đạo Hội đồng linh hoạt, xử lý tình huống nhanh, đảm bảo tiến độ chấm thi theo kế hoạch; việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng công tác chấm thi; hầu hết các thành viên tham gia công tác chấm thi của Hội đồng nghiêm túc, bám sát quy trình chấm thi theo quy định để thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, các khâu tổ chức, tiến hành đều có biên bản/nhật ký/sổ ghi lại các mốc thời gian, nội dung công việc. Các thành viên Tổ làm phách thực hiện công việc nghiêm túc, trách nhiệm; bảo đảm tiến độ cho Hội đồng.

Dù vậy, kết quả thanh tra cũng chỉ ra rằng, một số giám khảo không có mặt tại địa điểm chấm thi đúng thời gian quy định nên không được dự khai mạc, không được nghe lãnh đạo hội đồng phổ biến quy chế trực tiếp và không tham gia thảo luận, chỉnh sửa thống nhất đáp án, biểu điểm và chấm chung.

Việc tổ chức làm phách còn bất cập so với quy định. Mặt khác, quy trình làm phách còn chưa chi tiết, cụ thể và các biểu mẫu biên bản, nhật ký chưa thống nhất với tiến trình làm phách; việc sử dụng USB để sao chép dữ liệu từ máy tính chứa phần mềm dữ liệu từ Tổ phách đến Hội đồng chấm thi chưa được quy định trong Quy chế.

Kết luận thanh tra 1128/KL-BGDĐT chỉ rõ, toàn bộ những khó khăn, hạn chế, thiếu sót đã được Đoàn thanh tra kiến nghị trực tiếp với Hội đồng trong mỗi buổi chấm thi. Chủ tịch Hội đồng đã chỉ đạo, đôn đốc các thành viên của Hội đồng kịp thời rà soát, khắc phục, xử lý những khó khăn, hạn chế, thiếu sót để việc chấm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định.

Bộ GD&ĐT giao Cục QLCL rút kinh nghiệm trong việc tham mưu công tác tổ chức chấm thi đảm bảo cơ cấu, thành phần Hội đồng chấm thi theo quy định của Quy chế thi, giám khảo chủ động có mặt tại địa điểm chấm thi đúng thời gian quy định. Đảm bảo 100% giám khảo được dự khai mạc, nghe phổ biến quy chế từ lãnh đạo Hội đồng và được tham gia chấm chung. Bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ đúng thành phần quy định của Quy chế thi.

Cùng với đó, Cục QLCL nghiên cứu tham mưu sửa đổi, thay thế Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trong đó quy định cụ thể, chi tiết quy trình làm phách phù hợp với yêu cầu thực tiễn của kỳ thi. Đánh giá, tổng kết công tác chấm thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023 nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục tối đa những hạn chế, thiếu sót để làm tốt công tác tham mưu cho các kỳ thi của năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT cũng giao Thanh tra Bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo đúng quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra