Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong tổ chức và thi hành pháp luật

Thứ tư, 03/01/2024 16:29
(ThanhtraVietNam) - Đó là ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình tại Kế hoạch về triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 mới được ban hành.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 224/KH-UBND, ngày 25/12/2023 về triển khai kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình năm 2024, việc triển khai kế hoạch nhằm tiếp tục cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đổi mới nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với mục tiêu thực hiện phi địa giới hành chính trên môi trường điện tử và đa dạng hóa phương thức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới về tư duy; chủ động áp dụng hiệu quả những thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

Năm 2024 công tác cải cách hành chính của tỉnh Hòa Bình tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.   

Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước năm 2024. Kịp thời ban hành và triển khai kế hoạch cải cách hành chính riêng của cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo đầy đủ nội dung công tác cải cách hành chính và theo chức năng, nhiệm vụ được giao.  

Triển khai công tác xác định Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; điều tra xã hội học để đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước theo kế hoạch của Bộ Nội vụ. Ban hành kế hoạch nhằm cải thiện các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh.  

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (ảnh: Đoàn Cần)

Triển khai, thực hiện đánh giá xác định Chỉ số CCHC và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh. Tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, công vụ; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính năm 2024 đối với các Sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.  

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính bằng nhiều hình thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử; Tổ chức các cuộc thi về các nội dung cải cách hành chính đảm bảo hiệu quả, thiết thực; Bồi dưỡng, tập huấn về CCHC cho công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh.  

Tăng cường đối thoại giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp; Ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp tại các cuộc đối thoại, diễn đàn.

Cải cách thể chế  tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi.  Tổ chức thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bãi bỏ hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác theo quy định.  Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Tăng cường theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức và thi hành pháp luật.

Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính rà soát, đơn giản hóa quy định TTHC để đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, loại bỏ các TTHC rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng hoặc là rào cản gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC, loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.  

Kịp thời cập nhật, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau; cập nhật và đăng tải công khai toàn bộ TTHC, các nội dung cụ thể của từng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đảm bảo thống nhất, chính xác nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện.  

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối, tổ chức trung gian; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Tiếp tục sắp xếp, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.  

Triển khai các giải pháp trọng tâm, thiết thực và khả thi để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực nhằm khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện phân cấp.

Đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về công vụ, về trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo đúng bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực công chức theo vị trí việc làm đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.  

Cải cách tài chính công, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Thực hiện việc mua sắm, xây dựng đúng tiêu chuẩn, định mức. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý tài sản công.  Tập trung đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị … sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách.

Đoàn Cần
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra