Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh:

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Thứ ba, 26/12/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những kiến nghị đáng chú ý về xử lý trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, tập đoàn và địa phương có liên quan tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 3116/TB-TTCP được Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 25/12/2023 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Điều tra, xử lý vi phạm

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 08 nội dung có liên quan đến các vụ việc dưới đây sang Bộ Công an để xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, nguồn: ITN

Thứ nhất, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13,837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch (không bao gồm 14 dự án với công suất 870 MW Bộ Công thương đã phê duyệt trong quy hoạch điện lực cấp tỉnh của 04 tỉnh trước năm 2016 cập nhật sang giai đoạn 2016 - 2020), trong đó phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8,496 MVW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội... thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thứ hai, việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QÐ-TTg trái với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ và không đúng với nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 402/TB VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN).

Thứ ba, việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QÐ-TTg không đúng với nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN).

Thứ tư, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin, kèm theo tài liệu đến Bộ Công an để xem xét đối với Bộ Công Thương trong việc ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất lớn (xấp xỉ 01 MW) trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống ĐMTMN (giá FIT 8,38 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm).

Thứ năm, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.

Thứ sáu, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoąch thủy lợi thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại Ninh Thuận.

Thứ bảy, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng Dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới Hồ chứa nước Ia Mơr tại tỉnh Đắk Lắk.

Thứ tám, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện gió chồng lấn lên Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit tại tỉnh Đắk Nông.

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm

Cũng tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 3116/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Bộ Công Thương, các bộ, ngành và tập đoàn có liên quan như sau:

Thứ nhất, đối với Bộ Công Thương

Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu ban hành điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 UScent/kWh tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương. Ngoài ra, còn có trách nhiệm liên quan của các bộ, cơ quan: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và EVN.

Thứ hai, đối với EVN và các đơn vị thành viên, căn cứ Kết luận thanh tra, Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với EVN, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên có liên quan, Ban Quản lý các dự án điện 2 về những khuyết điểm, vi phạm.

Thứ ba, đối với PVN và TKV, căn cứ Kết luận thanh tra, Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với PVN, TKV, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên có liên quan.

Cũng liên quan đến việc kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm. 

Đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN, các công ty điện lực tỉnh rà soát đối với các dự án/hệ thống ĐMTMN đã đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn (xấp xỉ 01 MW) dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, xem xét, xử lý việc áp dụng giá điện của hệ thống ĐMTMN.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2. Trên cơ sơ đó, các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết điện lực và Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xem xét, chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 và Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thực hiện đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Cung cấp cho EVN kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mà Bộ Công Thương đã nhận được, chỉ đạo EVN rà soát, đàm phán lại giá mua điện của các nhà máy theo quy định của pháp luật và kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra