Bộ Thông tin và Truyền thông:

Triển khai thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động

Thứ năm, 06/04/2023 19:10
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến; còn tình trạng người dân phải nhận những cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, đặc biệt nhiều người bị thiệt hại về tài sản. Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc.

Triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước

Mới đây, Bộ TT&TT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương đề nghị quan tâm phối hợp chỉ đạo triển khai đợt thanh tra. Theo Bộ TT&TT, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến người dân.

Do đó, Bộ TT&TT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/6/2023. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm phối hợp chỉ đạo triển khai đợt thanh tra. Cụ thể, chỉ đạo Sở TT&TT khẩn trương thành lập các đoàn thanh tra, triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước đối với chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường. Mặt khác, chỉ đạo UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan phối hợp với Sở TT&TT triển khai đợt thanh tra đạt hiệu quả.

Tại Văn bản số 678/BTTTT-VP ngày 01/3/2023 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT cho biết, từ năm 2017 đến 2021, Bộ đã buộc doanh nghiệp thu hồi 24,3 triệu SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao; xử phạt doanh nghiệp hơn 01 tỷ đồng; yêu cầu doanh nghiệp đề nghị chủ thuê bao cập nhật lại thông tin hơn 40 triệu SIM.

Năm 2022, Bộ TT&TT  kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động, xử phạt 2,925 tỷ đồng đối với 7 doanh nghiệp và 39 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (tăng 2,92 lần so với kết quả xử lý 5 năm trước); 2 lần ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh đối với người đứng đầu doanh nghiệp do để xảy ra vi phạm về quản lý thông tin thuê bao. Đồng thời, chuyển hồ sơ vi phạm của 2 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị Cơ quan Công an điều tra do vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dẫn đến việc tội phạm chiếm đoạt SIM, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Internet

Thanh tra nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn

Tại công văn gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TT&TT đề nghị thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của Sở (thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường).

Đáng chú ý, Bộ TT&TT yêu cầu thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động của các doanh nghiệp viễn thông di động tại địa phương, gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Đông Dương Telecom, MOBICAST, Công ty cổ phần viễn thông ASIM và cả các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, Sở TT&TT có trách nhiệm làm việc, yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên.

Đồng thời, sẽ thanh tra, kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất.

Ngoài ra, khi thấy cần thiết, Sở TT&TT yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bổ sung dữ liệu hoặc thêm các tiêu chí khác để phục vụ công tác thanh tra. Bộ TT&TT cũng yêu cầu các Sở TT&TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động.

Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, Sở TT&TT xây dựng phương án phân cấp, hướng dẫn, đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo phòng văn hóa thông tin, phối hợp với UBND phường xã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân nói trên đến làm việc để xác minh, làm rõ. Sau đó, gửi kết quả nếu các SIM điện thoại không do chính chủ thuê bao sử dụng để Sở TT&TT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin cho chủ thuê bao đăng ký lại thông tin theo quy định.

Đối với thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng lớn thực hiện tương tự trên, Sở TT&TT chỉ đạo kiểm tra các trường hợp thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao và ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra