Năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm; đồng thời hướng dẫn các cơ quan Thanh tra Nhà nước xây dựng kế hoạch thanh tra theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ; thực hiện rà soát, xử lý loại bỏ trùng lặp của các đơn vị.
    |
 |
Thanh tra tỉnh Nghệ An nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2022. Ảnh: XT |
Toàn ngành Thanh tra tỉnh đã thực hiện 359 cuộc thanh tra hành chính, qua đó phát hiện sai phạm 88.588 triệu đồng và 2.233.178m2 đất. Đến nay đã thu hồi về ngân sách Nhà nước 57.425 triệu đồng (đạt 93,3%); kiến nghị xử lý hành chính 121 tổ chức và 544 cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc.
Bên cạnh đó, toàn ngành Thanh tra Nghệ An đã thực hiện 1.121 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, ban hành kết luận 1.021 cuộc tại 5.194 tổ chức, cá nhân. Qua đó phát hiện số tiền vi phạm và kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 1.258 triệu đồng, ban hành 2.603 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.861 triệu đồng.
    |
 |
Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: XT |
Cũng trong năm 2022, toàn ngành Thanh tra Nghệ An đã thực hiện 95 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, KNTC và PCTN. Qua thanh tra kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 70 tổ chức và 391 cá nhân có sai phạm trong thực thi nhiệm vụ công vụ.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra các cấp cũng chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra Nghệ An đã tiếp 5.720 lượt với 5.924 công dân đến KNTC và kiến nghị, phản ánh, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 271/306 vụ việc, đạt 88,6%. Tỉnh đã chú trọng thực hiện Kế hoạch 2100/2013 và Kế hoạch 263/2019 của Thanh tra Chính phủ về giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
Công tác phòng, chống tham nhũng được UBND tỉnh và các cấp, các ngành luôn quan tâm triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và thường xuyên, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét, phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng qua công tác thanh tra, công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Những kết quả đạt được của ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An đã được Lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2022, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, gặt hái nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào sự ổn định tình hình an ninh, chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu cơ quan Thanh tra các cấp tại địa phương cần bám sát chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022; tiếp tục cũng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Hoạt động thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Chính phủ và bối cảnh tình hình hiện nay, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/01/2014; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng,...
K. Dung