Vi phạm đấu thầu mua sắm thiết bị y tế ở Điện Biên do thiếu chuyên môn?

Thứ sáu, 06/05/2022 15:25
(ThanhtraVietNam) - Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho những sai phạm trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Điện Biên được Thanh tra tỉnh chỉ ra. Tuy nhiên, vấn đề thiếu cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức thực hiện, nhất là đối với phòng y tế cấp huyện, khiến nhiều gói thầu có vi phạm cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại.

Từ phòng đến Sở y tế đều có sai phạm

Kết luận thanh tra số 226/KLTTr về việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn của Thanh tra tỉnh Điện Biên đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động mua sắm của Sở Y tế tỉnh, của Phòng Y tế thành phố Điện Biên Phủ, huyện Nậm Pồ và Điện Biên.

Cụ thể, việc Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đấu thầu mua sắm và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương sử dụng kết quả lựa chọn nhà thầu do Sở, Trung tâm thực hiện như phương thức mua sắm tập trung từ nguồn kinh phí đã được giao cho các đơn vị, địa phương trong khi UBND tỉnh chưa ban hành danh mục hàng hóa mua sắm phục vụ phòng, chống Covid-19 để áp dụng phương thức mua sắm tập trung là không đúng quy định tại điều 74, Luật Đấu thầu, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP,  Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại một số gói thầu chưa đầy đủ căn cứ về nguồn kinh phí và không đúng thẩm quyền theo quy định Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính và quy định về phân cấp của UBND tỉnh.

Đơn giá dự toán mua sắm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu có một số mặt hàng không phải là đơn giá thấp nhất được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế song không có giải trình, thuyết minh cụ thể lí do lựa chọn là chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế.

Sở Y tế tổ chức phê duyệt hồ sơ mời thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu do các đơn vị trực thuộc làm Chủ đầu tư là không đúng thẩm quyền theo quy định tại điều 74, Luật Đấu thầu.

Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của một số gói thầu được phê duyệt quy định một số tiêu chí cụ thể như: doanh thu bình quân hàng năm, nêu rõ đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, danh mục hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp là không phù hợp với quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu của 15/63 gói thầu nhưng không thực hiện việc đăng tải thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia, báo đấu thầu theo quy định tại điều 8, Luật Đấu thầu. Việc này xảy ra tại Phòng Y tế TP Điện Biên Phủ (9/9 gói thầu), Phòng y tế huyện Nậm Pồ (2/11 gói thầu), Trung tâm y tế huyện Điện Biên (2/2 gói thầu) và bất ngờ là vi phạm này cũng xảy ra tại 2 gói thầu do chính Sở Y tế thực hiện.

Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ, Phòng y tế huyện Nậm Pồ thực hiện ký hợp đồng mua sắm trước khi dự toán phê duyệt, Sở Y tế ký kết hợp đồng trước khi bảo đảm thực hiện hợp đồng của nhà thầu trúng thầu có hiệu lực chưa đúng quy định của Luật đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

leftcenterrightdel
Cổng TTĐT Sở Y tế tỉnh Điện Biên. Ảnh chụp màn hình: NT 

Cần thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu qua mạng

Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế đối với các tồn tại trong hướng dẫn thực hiện cơ chế mua sắm, công tác chỉ đạo thực hiện kiểm tra chuyên ngành và thẩm quyền trong phê duyệt dự toán, hồ sơ mời thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu do các đơn vị trực thuộc làm Chủ đầu tư, trong tổ chức đấu thầu mua sắm đối với các gói thầu do Sở Y tế thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, TP Điện Biên Phủ chịu trách nhiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, thẩm quyền phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu do Phòng Y tế thực hiện.

Tổ chuyên gia, tổ thẩm định đấu thầu của Sở Y tế chịu trách nhiệm đối với các tồn tại trong lập, thẩm định, trình Sở phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả lựa chọn nhà thầu, công khai trong hoạt động đấu thầu.

Thủ trưởng các đơn vị và công chức được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm đối với các tồn tại trong công tác lập, thẩm định và trình phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện công khai trong hoạt động đấu thầu và ký kết, thực hiện hợp đồng mua sắm với nhà thầu.

Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tham mưu xây dựng danh mục trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch và công tác khám chữa bệnh theo phương thức mua sắm tập trung quy định.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ ngành tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và thực hiện công khai kịp thời giá trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, thuốc đảm bảo đúng, đủ trên cổng thông tin điện tử của Bộ.

Sở Y tế, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến những tồn tại hạn chế và có giải pháp khắc phục kịp thời và chỉ đạo thực hiện nghiêm việc lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình áp dụng quy định tại Thông tư số 11/2019/TTBKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý sử dụng giá trị đảm bảo dự thầu, đảm bảo thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại

Để xảy ra những hạn chế, tồn tại kể trên, Kết luận thanh tra đã đưa ra một số nguyên nhân như: dịch Covid là dịch bệnh mới chưa có tiền lệ, các biện pháp chỉ đạo, thực hiện phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh đòi hỏi phải khẩn trương, thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh cũng như điều kiện thực tiễn do đó có những nội dung chỉ đạo, hướng dẫn chưa rõ ràng, kịp thời.

Một số cơ chế chính sách liên quan đến đấu thầu, mua sắm công quy định về thủ tục rất chặt chẽ, mất nhiều thời gian triển khai, trong khi yêu cầu mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch là cấp bách.

Trong giai đoạn đầu và khi dịch bệnh bùng phát khả năng sản xuất, cung ứng của một số mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, thuốc phòng chống dịch còn khó khăn, giá các mặt hàng có xu hướng tăng, công tác kiểm soát và thực hiện công bố giá của một số mặt hàng chưa đầy đủ, kịp thời.

Việc phân bổ kinh phí phục vụ phòng chống dịch phải thực hiện theo quy trình quy định, do vậy có thời điểm chưa kịp thời cho việc triển khai thủ tục mua sắm của một số đơn vị có dịch bùng phát.

Đơn vị được giao mua sắm vừa thực hiện công tác tham mưu chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia phòng chống dịch, trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế, khối lượng công việc nhiều; một số đơn vị thiếu cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để tổ chức thực hiện, nhất là đối với phòng y tế cấp huyện.

Công tác kiểm tra chuyên ngành đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện song chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh xử lý các tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của các đơn vị được kiểm tra.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra