Báo cáo trước QH sáng nay 21/7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Huỳnh Đảm cho biết, trong quá trình tham gia tổ chức cuộc bầu cử, cùng với việc chủ trì tổ chức các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tổ chức 123.276 hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử với 6.707.791 cử tri tham dự và có 389.727 ý kiến phát biểu của cử tri, trong đó riêng với những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã có 2.192 hội nghị với 340.696 cử tri tham dự và 13.759 ý kiến cử tri phát biểu. Ngoài việc góp ý kiến trực tiếp cho những người ứng cử, cử tri và nhân dân còn bày tỏ nhiều ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước hữu quan và chính quyền địa phương các cấp.
ĐBQH cần thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo trước cử tri
Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, thực sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương, đồng thời mong muốn những người được Quốc hội bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để theo dõi, giám sát.
Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kiến nghị Quốc hội khóa XIII tiếp tục đổi mới về tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Tuy nhiên cử tri cũng thẳng thắn đánh giá còn một số đại biểu chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri và nhân dân; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; còn nhiều hạn chế trong việc tham gia vào các hoạt động của Quốc hội. Do đó, Cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu Quốc hội khoá XIII thực hiện tốt chương trình hành động của mình đã báo cáo trước cử tri trong các cuộc tiếp xúc vận động bầu cử vừa qua; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri và nhân dân để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; mong muốn đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian, tâm trí vào hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; mỗi đại biểu Quốc hội nêu gương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; luôn gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Kiến nghị Chính phủ coi trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở
Cử tri và nhân dân cho rằng, trong nhiệm kỳ qua Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước các cấp và quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng, lãng phí, cử tri và nhân dân còn kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý và coi trọng giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở; phối hợp tốt hơn giữa các cấp các ngành và tăng cường đối thoại với người khiếu nại, tố cáo để có thể xử lý dứt điểm các vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng kiến nghị TANDTC cần khắc phục tình trạng kết án oan, sai; việc vi phạm thời hạn xét xử; nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án bị hủy, cải sửa do lỗi của thẩm phán; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đặc biệt là các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Kiến nghị VKSNDTC tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. /.
P.V