Báo động nạn hút trộm cát trên sông ở Hà Nội

Thứ ba, 24/08/2010 14:07
Mùa mưa bão đã bắt đầu, vậy mà nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra khắp các đoạn sông chảy qua địa bàn Hà Nội. Đây là nguyên nhân gây mất an toàn cho hệ thống đê điều của Hà Nội.

Đặc biệt, nó làm nhiều khúc sông bị thay đổi dòng chảy, làm mất an toàn giao thông đường thuỷ, nhưng lực lượng chức năng chỉ mới xử lý như muối bỏ biển.
 

Hút cát: Gây mất an toàn giao thông đường thủy

Vừa qua, vụ tai nạn chìm sà lan thương tâm xảy ra tại khu vực cầu Đuống khiến cả 3 thành viên trong cùng gia đình bị thiệt mạng do nước cuốn trôi. Và trước đó, cũng trên khúc sông này, hai vụ tai nạn do tàu chở cát đâm vào cầu phao đã xảy ra. Và đến lúc này, dường như các cơ quan chức năng mới “giật mình” vào cuộc.

Đánh giá về vụ tai nạn thương tâm trên, thượng tá Khuất Duy Kiều- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thủy Hà Nội cho biết, một phần nguyên nhân là do nạn hút cát trái phép dưới lòng sông khiến nhiều khúc sông bị thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu trên sông.

Trong những ngày giữa tháng 8.2010, chúng tôi có dịp thị sát cùng lực lượng thanh tra mới thấy nạn khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Đuống diễn ra công khai. Dọc bờ, thân đê sông, cát tập kết bời bời. Sà lan, tàu hối hả thu mua cát bất chấp cả lực lượng chức năng(!?).

CSGT đường thuỷ kiểm tra sà lan vi phạm. Ảnh: Q.H


Ông Đoàn Đức Quang- quyền Đội trưởng Đội thanh tra giao thông đường thủy (Sở GTVT Hà Nội) khẳng định, dọc tuyến sông số điểm được phép khai thác cát chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng số điểm khai thác trái phép thì không đếm xuể. “Bởi mỗi tàu chỉ cần một đầu hút cát cắm xuống bất kỳ chỗ nào dưới lòng sông trong vài tiếng là có thể được vài trăm khối cát và có thể bán được từ 1 đến gần 2 triệu đồng. Vì lợi nhuận nên nhiều chủ tàu bất chấp” - ông Quang giải thích.

Cũng qua ghi nhận của chúng tôi, khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra là họ nhanh chóng rút vòi và bỏ đi. Đặc biệt, nếu lực lượng chức năng làm gắt quá thì họ chuyển sang hoạt động về đêm.
 

Địa phương phải là lực lượng chủ công

Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều thanh tra viên và CSGT đường sông đều có chung nhận định, chính quyền địa phương dọc các tuyến sông là người nắm rất chắc nhân thân, chủ tàu. “Do đó, chính quyền cơ sở phải là lực lượng chủ công” - một thanh tra GTVT kiến nghị.
 

Theo ông Đoàn Đức Quang, công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất không phải ngày nào đoàn cũng có thể đi kiểm tra dọc cả tuyến sông vì nhiên liệu chạy tàu rất tốn (44 lít dầu cho 35km đường sông).
 

Thứ 2, nếu có kiểm tra phát hiện lỗi, thì cũng khó thu giữ phương tiện, bởi dọc cả tuyến sông Đuống, lực lượng chức năng không có nổi một bến để giữ tàu. Các tàu hút cát trộm hoạt động trên địa bàn rộng, gồm cả sông Đuống lẫn sông Hồng.

Báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ - Công an Hà Nội cho biết, từ đầu năm tới nay cũng mới xử lý được hơn 100 trường hợp khai thác cát trái phép. Thượng tá Khuất Duy Kiều - Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội - cho biết, quân số đơn vị còn mỏng, trình độ chưa đồng đều, phương tiện trang bị còn hạn chế, toàn thành phố mới có hai bến tạm giữ phương tiện trong khi thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi.

 

    

Theo Hải Nguyên-Laodong.com.vn

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra