Bộ Luật Hình sự 1999 cần sửa theo 6 định hướng cơ bản

Thứ hai, 17/03/2014 09:35
(ThanhtraVietnam) - Qua thực tiễn thi hành, có thể khẳng định, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã hình sự hóa được nhiều hành vi nguy hiểm cao cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học; thực sự là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.


Tại buổi Tổng kết thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 diễn ra ngày 15/3, Báo cáo tóm tắt của Bộ Tư pháp nêu rõ, Bộ luật Hình sự được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2000. Nhìn chung, công tác thi hành Bộ luật hình sự trong những năm qua được thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các ban, ngành liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng - chống và xử lý tội phạm, tình trạng xử lý oan sai giảm đáng kể. Việc tổ chức thi hành Bộ luật Hình sự đã góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố xét xử tội phạm cả hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng hình sự bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

BLHS 1999 đã thi hành được 14 năm.


Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 2000 đến năm 2012, cả nước đã đưa ra xét xử 673.559 vụ, liên quan đến 1.090.676 bị cáo vi phạm các điều, khoản được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999. Thông qua công tác xét xử và thi hành án hình sự đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước của các tổ chức và của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp hiện nay tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp. Xuất hiện một số loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người; tội phạm xâm phạm sở hữu; tội phạm ma túy; tội phạm xâm phạm trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính; tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại chính sách đoàn kết... có những phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Việc vi phạm pháp luật cũng có những diễn biến phức tạp, đặc biệt trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại, sở hữu trí tuệ, thông tin truyền thông, bảo hiểm xã hội... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là từ những bất cập của nền kinh tế xã hội; hạn chế của hệ thống chính sách pháp luật, công tác tuyên truyền phố biến pháp luật; bất cập hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, từ gia đình, nhà trường. Đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong gần 14 năm qua khi áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 nổi lên 3 nhóm vấn đề bất cập gồm: Bất cập, hạn chế từ công tác tổ chức thực hiện Bộ luật Hình sự; bất cập, hạn chế trong chính các quy định của Bộ luật Hình sự; bất cập, hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều này đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành một cách cơ bản, toàn diện đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Cũng nhằm đáp ứng yêu cầu này, Bộ Tư pháp đã đề xuất, kiến nghị sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Hình sự năm 1999 dựa trên 6 định hướng cơ bản: thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nghiên cứu nội luật hóa những quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; sửa đổi các quy định của BLHS liên quan đến các tội phạm tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của Bộ luật Hình sự; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự và giữa Bộ luật Hình sự với các Luật khác./.

Quang Vững

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra