Bồi hồi tháng 5 trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ

Thứ sáu, 07/05/2021 09:31
Sau 67 năm chiến thắng, Điện Biên vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị lịch sử, những chứng tích hào hùng thể hiện sự kiên cường bất khuất của cả một dân tộc.

Tháng 5, không chỉ người dân Điện Biên, mà với người dân cả nước, đều có chung tâm trạng bồi hồi, xúc động khi nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ, đến mảnh đất lửa nơi cực Tây Tổ quốc – Điện Biên. Bởi nơi đây đã ghi dấu ấn lịch sử trường tồn, một mốc son chói lọi của cả dân tộc Việt Nam khi đánh bại đế quốc thực dân, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Và trong những ngày tháng 5 lịch sử này, mỗi người con đất Việt khi đến với Điện Biên, ngoài thắp nén hương tưởng niệm tới các anh hùng liệt sĩ, những người đã xả thân hy sinh vì đất nước, ai cũng thầm mong mảnh đất Điện Biên sẽ ngày càng phát triển hơn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 tại thành phố Điện Biên Phủ là địa điểm đến đầu tiên của mỗi người con đất Việt khi về Điện Biên. Nơi đây có tới 644 mộ liệt sĩ nhưng có nhiều phần mộ không ghi rõ tên tuổi, thông tin quê quán, ngày hy sinh, đơn vị chiến đấu...

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày tháng 5 cùng những cơn gió Lào như thổi khô da thịt tại chảo lửa Điện Biên, trong không khí trang nghiêm, mỗi người dân khi đến đây đều mang nhiều cảm xúc. Anh Bùi Văn Uẩn, người dân xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, lần đầu tiên đến với mảnh đất lửa Điện Biên chia sẻ: "Tôi đã đọc khá nhiều tài liệu nhưng chưa một lần được bước chân đến Điện Biên Phủ. Lên tới đây, tôi mới cảm thấy được những gian nan, khổ ải trong thời kỳ chiến tranh, những hy sinh oanh liệt để có vinh quang như ngày hôm nay. Tôi thật sự rất xúc động, thật sự rất biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh thân mình để chúng tôi có ngày hôm nay".

Tỉnh Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến với tổng số hơn 6.600 phần mộ, trong đó có khoảng 5.280 phần mộ không có thông tin. Theo Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Điện Biên, tổng số liệt sĩ hy sinh, chôn cất ban đầu qua xác lập trên địa bàn là hơn 17.400 liệt sĩ, nhưng số liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập trên địa bàn còn chiếm tới hơn 96%. Đây có lẽ cũng là điều trăn trở của mỗi người khi đến với Điện Biên.

leftcenterrightdel
 Những phần mộ chưa xác định rõ danh tính luôn là nỗi day dứt của mỗi người khi đến đây.

Đại tá Vũ Thanh Thảo, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội chia sẻ, sau 4 lần đến với Điện Biên, không chỉ ông mà có lẽ bất cứ ai cũng sẽ đều cảm thấy day dứt, cảm động khi đặt nén nhang lên các phần mộ của những người người lính đã nằm xuống nhưng đến nay vẫn chưa xác định được danh tính. Những day dứt đó cũng sẽ là động lực thôi thúc mỗi người phải sống tốt hơn, cố gắng hơn trong công cuộc xây dựng đất nước về sau, xứng đáng với những hy sinh to lớn ấy.

"Chúng tôi vô cùng cảm động, biết ơn những người đã ngã xuống vì dân tộc để cho đất nước chúng ta hôm nay được hạnh phúc và phát triển. Chúng tôi cũng thấy rằng xác định danh tính, thông tin của các liệt sĩ cũng còn nhiều khó khăn nên mong rằng các cơ quan chức năng cố gắng tìm những thông tin, có những công nghệ mới nhất để xác định được những thông tin của các liệt sĩ", Đại tá Vũ Thanh Thảo nói.

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử này, các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên cũng đang gấp rút hoàn thiện bức tranh Panorama tái hiện lại toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ như một lời tri ân gửi đến các anh hùng liệt sĩ vào đúng ngày kỷ niệm 67 chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây được xem là một công trình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia có giá trị lưu giữ lịch sử, mô tả, khắc họa rõ nét “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: bức tranh đã nói lên cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân Việt Nam, nói lên sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng quân đội giành lại chiến thắng tại mặt trận Điện Biên Phủ.

"Tất cả những hình ảnh miêu tả không gian của những năm 1954 đã được làm sống lại để giáo dục thế hệ trẻ rằng cuộc chiến đấu đó ác liệt như thế nào. Chúng ta có thể thấy được toàn bộ cuộc sống của Điện Biên những năm 1954, một cuộc chiến đấu của dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng với tầm vóc của nhân dân Việt Nam", nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh xúc động chia sẻ.

Sau 67 năm chiến thắng, Điện Biên vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị lịch sử, những chứng tích hào hùng thể hiện sự kiên cường bất khuất của cả một dân tộc, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Bằng tất cả sự tri ân của mỗi người dân Việt Nam và những việc làm thiết thực, chiến thắng lịch sử đó, những ký ức hào hùng đó sẽ vẫn mãi trường tồn theo thời gian gắn cùng mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ./.


Theo VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra