Cần có sự thay đổi tư duy về quy hoạch sử dụng đất
Thứ tư, 21/09/2011 16:02 (GMT+7)
(Thanhtravietnam.vn) - Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực từ 01/07/2004) ra đời, bên cạnh những ưu điểm nổi bật đã dần bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi. Vì vậy, việc điều chỉnh mới và bổ sung các quy định trong luật là cần thiết.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành rà soát Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này nhằm phản ánh đầy đủ những vấn đề vướng mắc, gây cản trở cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những kiến nghị hợp lý, đầy đủ và toàn diện để trình Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội xem xét.
 |
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật đất đai” ngày 21/9 |
Cần có sự thay đổi tư duy về quy hoạch sử dụng đất
Theo báo cáo rà soát các văn bản pháp luật đất đai của TS Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội, hiện nay một bộ phận lớn các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Mặt bằng kinh doanh là yếu tố quan trọng để thực hiện quyền tự do kinh doanh của các tổ chức kinh tế được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải sử dụng đất ở, nhà ở để triển khai các hoạt động kinh doanh. Nguồn đất cho thuê của Nhà nước còn quá ít hoặc không còn, việc thuê đất của dân bị những trở ngại về quy hoạch và thủ tục hành chính rườm rà và phức tạp. Với thực trạng như vậy, những doanh nghiệp mới ra đời, những doanh nghiệp hiện tại mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh thì mặt bằng kinh doanh dường như là trở ngại lớn nhất. Vì thế, để giải quyết vấn đề này cần có sự thay đổi tư duy về quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là hệ thống quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện và cấp xã.
Sửa đổi quy định về thế chấp quyền sử dụng đất theo hướng tạo điều kiện để khơi thông nguồn vốn cho phát triển
Pháp luật đất đai hiện hành mới quy định cho phép các đối tượng sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản đầu tư trên đất để vay vốn của tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức tín dụng đó là các tổ chức tín dụng Việt Nam hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng và theo Luật doanh nghiệp; tổ chức tín dụng liên doanh hoặc tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư và Luật các tổ chức tín dụng. Hiện nay chưa có các quy định về thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại nước ngoài để vay vốn; quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Các quy định về thế chấp để vay vốn tại các Điều 110, 113 Luật đất đai chỉ cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Quy định này không phù hợp với các quyền dân sự về đất đai theo quy định của Bộ luật Dân sự, vì trong nhiều trường hợp, người sử dụng đất có nhu cầu vay tiền cho các mục đích khác nhau như: vay tiền đi học, xây dựng nhà ở. Do thiếu sót của pháp luật, trong thực tế đã có những vướng mắc trong việc xử lý các trường hợp thu hồi đất có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thế chấp tại ngân hàng. Bên cạnh đó, quy định việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức cá nhân nước ngoài không có quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cũng làm hạn chế việc huy động nguồn vốn đầu tư cho thị trường bất động sản.
Từ những lý do trên, cần cho phép thế chấp quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê hàng năm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam và tại ngân hàng ở nước ngoài, việc xử lý trường hợp bị phát mại tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sửa đổi quy định về thế chấp quyền sử dụng đất theo hướng tạo điều kiện để khơi thông nguồn vốn cho phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo pháp luật./.
Nhất Anh
nguyenthuhang