Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Ảnh: QH
Chiều 24.3, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ 2 của Chính phủ.
Ông Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá rất cao những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ nhiều thách thức lớn chưa từng có về thiên tai, dịch bệnh. Hoạt động của Chính phủ được đánh giá cao về sự đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra đánh giá 5 kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức làm việc; thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ làm rõ những tồn tại cần phải quan tâm.
Thứ nhất, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ cần làm rõ, nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục. Nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả đầu tư các dự án, tỉ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân, cũng là những nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị cần được báo cáo rõ ràng, cụ thể hơn.
Thứ tư, đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Thứ năm, làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, cần xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, giải pháp khắc phục.
Thứ sáu, đánh giá rõ thêm thành quả, hạn chế, các vấn đề cần được hợp tác xử lý trong các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với Chính phủ các nước láng giềng; lợi ích, thách thức và biện pháp trong hợp tác với các nước lớn và khu vực. Kết quả và phương hướng phối hợp trong công tác đối ngoại giữa Chính phủ với cơ quan Đảng, Quốc hội và ngoại giao nhân dân; bổ sung, đánh giá thêm về công tác bảo hộ công dân tại các nước.
Thứ bảy, Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả cơ cấu lại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, bổ sung đánh giá về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 để làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ tới.
Theo Lao động