Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trương Vĩnh Tân tham dự và đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567). Tham dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương,… Ở các điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các huyện, xã có đội viên công tác, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tại các địa phương là địa bàn triển khai Đề án.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: L.A
Chăm lo, phát triển thanh niên là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đã xác định, thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; đồng thời, Nghị quyết cũng xác định: chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 và Quyết định phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức có hiệu quả Chiến lược và hai Đề án nêu trên.
Theo báo cáo tóm tắt nội dung Chiến lược phát triển thanh niên, Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567, các bộ, ngành, địa phương đã bố trí, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo quy định; nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, cơ quan Trung ương; giữa các sở, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu học tập và lao động; nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh trẻ, giỏi; tỉ lệ trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.
Đối với Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567), từ năm 2015 đến năm 2020, thông qua việc thực hiện Đề án đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án, với tổng kinh phí triển khai thực hiện là 29.781.224.000 đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: L.A
Thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chinh phủ và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo, tổ chức Hội nghị này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Thanh niên 2020; do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Về Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam, yêu cầu, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này, đánh giá rõ nét hơn những kết quả, thành công đã đạt được, đồng thời, chỉ ra những hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục. Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó, tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
“Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lưu ý đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy, năng lực và sức sáng tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, cần đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020, để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình, đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiện nay, trong đó, chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xác định rõ về nội dung, chương trình, nguồn kinh phí; tập trung ưu tiên việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, bảo đảm thiết thực, phát huy bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc thù địa phương.
Liên quan tới Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ Đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Riêng đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định của pháp luật. Còn với những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.
Dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế hệ thanh niên, “cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kể xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa “chuyên"...; phát huy những thành tích to lớn đã đạt được trong những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng tin rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, cùng quan tâm định hướng, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy và phát triển thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới, góp phần xây dựng nền hành chính, nền công vụ thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Lan Anh