Chưa nên quy định thủ tục tố tụng dân sự đơn giản

Thứ bảy, 21/08/2010 10:43
Một trong những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ quan tâm trong  phiên họp sáng nay ngày 21-8, là việc áp dụng thủ tục tố tụng dân sự đơn giản.


Tòa án có được hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác?

Theo tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), cần thiết phải quy định trình tự xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, tiêu chí xác định vụ án để giải quyết theo thủ tục đơn giản và vấn đề hiệu lực của bản án, hiệu lực của quyết định giải quyết theo thủ tục đơn giản vẫn còn có những quan điểm khác nhau.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đưa ra nhận định, quy định trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ tính chất khác biệt cơ bản giữa thủ tục tố tụng dân sự đơn giản và thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Theo bà Thu Ba, chiếu theo dự thảo thì thủ tục đơn giản chỉ rút ngắn thời gian xét xử mà chưa “đụng” tới nhiều yếu tố đặc thù khác của các thủ tục tố tụng, như thành phần Hội đồng xét xử, trình tự tố tụng, hiệu lực của bản án. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì những việc đơn giản đã được quy định thành việc dân sự và có trình tự tố tụng đơn giản.

Bà Thu Ba kết luận: “Nếu bổ sung quy định thủ tục đơn giản trong dự thảo Luật thì phải sửa đổi cả Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, mà nếu thực hiện trong thời điểm này khó khả thi. Thường trực UB Tư pháp đề nghị chưa nên đặt vấn đề bổ sung quy định về thủ tục đơn giản trong lần sửa đổi, bổ sung này”.

Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác, Thường trực UB Tư pháp đồng ý với dự thảo Luật theo hướng, Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết để đảm bảo việc xét xử của Tòa án được kịp thời, liên tục.

Tuy nhiên, bà Thu Ba cho biết thêm, cũng  có ý kiến cho rằng dự thảo Luật không nên quy định cho Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định của cơ quan, tổ chức khác. Nếu phát hiện có quyết định trái pháp luật thì đương sự phải khiếu nại, tố cáo theo Luật Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính. (Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định Tòa án không có thẩm quyền hủy quyết định của cơ quan, tổ chức khác mà chỉ có quyền kiến nghị để cơ quan ban hành quyết định đó xem xét tự hủy bỏ quyết định của mình).

Một nội dung quan trọng khác được bổ sung vào dự thảo Luật cũng nhận được sự đồng tình của UB Tư pháp là nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa. Theo đó, Tòa án bảo đảm việc các đương sự được chứng minh, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Theo SGGP

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra