Kiểm toán nhà nước khuyến nghị:

Chuyển thành công trình đầu tư công nếu không hoàn thành năm 2024

Thứ ba, 02/07/2024 18:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nội dung trả lời họp báo của ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II, chiều 02/7.
leftcenterrightdel
Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II. Ảnh: N. Lộc

Ông Lê Đình Thăng đã thông tin với báo chí về thực trạng chậm phân bổ vốn đầu tư công theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Sau kiểm toán Chuyên đề "Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15" (Chương trình), Kiểm toán nhà nước (KTNN) khuyến nghị công trình nào đến năm 2024 không hoàn thành thì chuyển thành công trình đầu tư công và coi Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã kết thúc “sứ mệnh”.

Ông Lê Đình Thăng cũng cho biết, mặc dù đã hết thời gian thực hiện Chương trình theo kế hoạch đề ra (theo yêu cầu ban đầu, phải thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình trong năm 2022-2023), nhưng đến nay vẫn còn một số dự án chưa phê duyệt được dự án đầu tư nên chưa thể triển khai thực hiện, chưa phân bổ hết một lượng lớn nguồn lực của Chương trình. Những tồn tại nêu trên dẫn đến không thể hoàn thành được yêu cầu, mục tiêu đề ra nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Tại các địa phương, các dự án chậm triển khai tác động trực tiếp đến việc không hoàn thành được mục tiêu cấp thiết đầu tư của các dự án như theo yêu cầu tại Nghị quyết “bố trí vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025”.

Trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong công tác tham mưu

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm phân bổ, giải ngân vốn của chương trình. Bên cạnh những nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cơ quan Trung ương có liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông báo, giao kế hoạch vốn Chương trình còn chậm trễ, chưa đảm bảo mốc thời gian theo yêu cầu, còn có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương từ khâu lựa chọn danh mục.

Các địa phương lựa chọn danh mục các dự án tham gia Chương trình hầu hết là các dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 trong khi nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên của Quốc hội có quy định “Ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn”.

Do đó, thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư để đáp ứng yêu cầu được giao vốn thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công còn mất nhiều thời gian, kéo theo chậm trễ trong việc trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, thực hiện đầu tư và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn của chương trình, các địa phương còn chưa có giải pháp quyết liệt để hoàn thành theo đúng cam kết khi tham gia thực hiện chương trình cũng là một trong những nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện dự án.

KTNN cũng chỉ rõ nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông báo, giao kế hoạch vốn Chương trình.Trong đó, danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án trình Quốc hội chưa cụ thể, do đó, phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất lại danh mục, dẫn đến mất nhiều thời gian và chậm ban hành thông báo mức vốn của Chương trình.

Việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để làm căn cứ hoàn thiện thủ tục đầu tư còn chưa đáp ứng tiến độ.

Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình chưa kịp thời. Công tác tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ số vốn còn lại của Chương trình chưa bảo đảm quy định về thời gian.

Bên cạnh đó, theo KTNN, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các đơn vị thực hiện Chương trình là do đa số các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án) trong khi Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu “Ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn” nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao.

Đối với lĩnh vực y tế, do công tác chống dịch và nhiều nhiệm vụ khác Bộ Y tế cùng phải giải quyết khẩn cấp; cơ chế cấp vốn mới, thực hiện lần đầu; quy trình, thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước; thủ tục báo cáo, xét duyệt qua nhiều khâu và quy trình lấy ý kiến các cơ quan có liên quan để đảm bảo chặt chẽ; phạm vi đầu tư rất rộng, trên toàn quốc; nhiều địa phương, đơn vị chuẩn bị đề xuất chưa tốt, phải sửa nhiều lần, chậm gửi báo cáo cho Bộ Y tế. Một số đơn vị, địa phương có đăng ký, nhưng sau đó trả lại vốn, dẫn đến việc phải điều chỉnh, thay đổi danh mục dự án và số vốn phân bổ; chưa có cơ chế huy động thêm các nguồn lực cho phòng, chống dịch như huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia, chính sách xã hội hóa nguồn lực.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi họp báo tại KTNN, chiều 02/7. Ảnh: N. Lộc

Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương từ khâu lựa chọn danh mục

Cũng theo ông Lê Đình Thăng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành gấp gáp nên khó thiết kế được chính sách hoàn hảo. Sau khoảng 10 ngày khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành thì Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai ngay.

Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương đã bổ sung danh mục các công trình, dự án cấp bách khác do địa phương và Bộ, ngành xác định nhưng nhiều công trình được bổ sung chưa được chuẩn bị đầu tư và từ lúc bổ sung vào danh mục phân bổ vốn để trình cấp có thẩm quyền đến lúc triển khai đã quá thời gian theo quy định. Vì vậy, Quốc hội phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhưng đến nay có thể thấy rất nhiều nội dung sẽ khó thực hiện.

Việc chậm triển khai phân bổ vốn dẫn đến việc một số công trình đưa vào giải ngân chậm do thủ tục hành chính chưa đầy đủ nên không thể giải ngân được.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định KTNN định kỳ kiểm toán và báo cáo kết quả với Quốc hội. Theo đó, từ năm 2022, KTNN đã bổ sung vào Kế hoạch kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tháng 10/2022, KTNN báo cáo việc phân bổ vốn đầu tư công và khuyến nghị rõ, đến cuối năm 2023 sẽ có những công trình nào không được thực hiện được. Chính báo cáo đó của KTNN và các báo cáo tổng kết, đánh giá khác của Chính phủ về việc những công trình, dự án đến 31/12/2023 không thực hiện được nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho kéo dài đến hết năm 2024. Đó là khuyến nghị của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có khuyến nghị của KTNN.

Năm 2023, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này và KTNN cũng khuyến nghị công trình nào đến năm 2024 không xong thì chuyển thành công trình đầu tư công và coi Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã kết thúc “sứ mệnh”.

Báo cáo của KTNN cho biết, đến 30/6/2023, tổng số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ, dự án cho  Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong 02 năm 2022 - 2023 là 116.848,3 tỷ đồng; các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn hằng năm cho các dự án thuộc Chương trình là 81.801,26 tỷ đồng, đạt 70%.

Số vốn còn lại chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ là 48.416,52 tỷ đồng; Lũy kế vốn giải ngân của các dự án thuộc Chương trình đến 30/6/2023 là 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với số vốn được giao trong 02 năm 2020-2023, đạt 29,5% so với số vốn hằng năm mà các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ.

Đến 31/03/2024, còn 20.491 tỷ đồng của hạn mức vốn Chương trình chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, điều chỉnh linh hoạt, chiếm tỷ lệ 15,7% tổng mức.

 

K. Dung
(Theo Kiểm toán nhà nước)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra