Cố đô Huế đối mặt với nguy cơ nước biển dâng

Thứ ba, 24/08/2010 14:10
Nếu nước biển dâng 1m, du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ thất thu khoảng 28,8%, tỉnh này còn mất đi 15% sản lượng trồng trọt và 16,5% sản lượng thủy sản, tổng thiệt hại hơn 7,7 tỷ USD. Đây là những ước tính mới nhất mà Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường vừa công bố.

 Nhiều bãi tắm đẹp có nguy cơ bị xóa sổ

Với đường bờ biển dài 120km, du lịch biển là một lợi thế của Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều bãi tắm có nguy cơ bị nhấn chìm trong nước biển trong vài chục năm tới.

Bãi tắm Tư Hiền và bãi tắm Đông Dương Hàm Rồng đều bị ngập tới 87,12%, các bãi tắm Cảnh Dương, Cù Du, Vĩnh Thanh bị mất đi trên 80% diện tích khi nước biển dâng 1m. Bãi Lăng Cô nằm trong quần thể Vịnh đẹp nhất thế giới cũng sẽ bị mất đi gần 20% diện tích do biển xâm thực. Không chỉ mất đi các bãi tắm đẹp, mà hệ sinh thái ven biển, khu vực đầm phá cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Cây ngập mặn thích nghi được với nước mặn song chỉ ở một giới hạn nhất định. Hầu hết cây ngập mặn không thể chịu được tốc độ nước biển dâng quá 1,4mm mỗi năm, trong khi tốc độ thấp nhất của nước biển dâng vùng này lên tới 6,3mm", TS. Lê Xuân Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, cho biết. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ thu hẹp diện tích rừng ngập mặn.
 
Huyện Phú Vang sẽ chịu  tác động mạnh nhất

Theo thạc sĩ Tô Ngọc Thúy, Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Phú Vang là huyện có nguy cơ rủi ro cao do nước biển dâng về cả kinh tế, xã hội và khả năng sử dụng đất ở Thừa Thiên - Huế. Sở dĩ như vậy là do huyện này nằm trong vùng hạ lưu, cửa sông - ven biển của lưu vực sông Hương, là một hệ thống rất phức tạp kết hợp cả dòng chảy của sông và hệ thống đầm phá đặc biệt Tam Giang - Cầu Hai, nơi có cộng đồng dân cư làm nông ngư nghiệp nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất.

Ông Lê Nguyên Tường, một nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về lưu vực sông Hương cho biết, những thiệt hại và tổn thất chính ở Phú Vang là do các dòng lũ lớn từ thượng nguồn đổ về và gió bão, sóng lớn, triều dâng từ biển vào. Dân trí của người dân và các nguồn thu nhập rất hạn chế, không có khả năng hoặc không muốn di dời... là yếu tố làm tăng khả năng họ bị tổn thất trong trường hợp có thiên tai, bão lũ lớn. Sự thiếu nước trầm trọng và dài hơn vào mùa khô sẽ dẫn đến nhiễm mặn sâu hơn, ô nhiễm môi trường, suy thoái đất và các loài vật hoang dã. Ngoài ra còn có thể khiến các hộ nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp trong vùng bị phá sản hàng loạt.

Một trong những vấn đề lớn của huyện Phú Vang còn là xói lở và mất đất dọc theo bờ sông Hương và bờ biển do lũ lụt, do tác động của đập ngăn mặn và một cơ chế "đóng mở cửa sông" khá phức tạp. Điều này càng gia tăng khi nước biển dâng. 

Thạc sĩ Tô Ngọc Thúy đã gọi tên những hành động giảm thiểu cần kíp là "không hối tiếc" nhằm chống biến đổi khí hậu cho tỉnh này. Đó là ngừng khai thác đất ven biển, ngừng làm thoái hóa các vùng đất ngập nước như vùng Tam Giang - Cầu Hai, nhanh chóng lồng ghép các nghiên cứu về nước biển dâng trong quy hoạch không gian và quản lý rủi ro thiên tai…

Đồng thời, ThS. Thúy cũng đề xuất các giải pháp bổ sung quan trọng như bổ sung hệ thống cảnh báo sớm, tổ chức di dân những nơi có nguy cơ cao, gia cố cồn cát, trồng cây giữ đất, bảo vệ rặng san hô, rừng ngập mặn, tôn nền đất những nơi đất thấp, đất yếu…
Không hối tiếc với việc ngừng khai thác tài nguyên thiếu bền vững là phương châm hành động để ngăn chặn từ xa thách thức biến đổi khí hậu.

Theo Báo TN&MT

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra