Cử tri khu vực bầu cử số 4, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) đi bầu cử lại sáng 6/6/2021.
Chỉ 6 ngày sau ngày hội bầu cử diễn ra trên cả nước, ngày 29/5, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã ban hành nghị quyết hủy kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp xã với 5 đơn vị bầu cử. Đồng thời quyết định ngày bầu cử lại tại các đơn vị này vào ngày 6/6. Việc hủy bỏ kết quả được xác định do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng – gian lận phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã ở đơn vị bầu cử số 4 xã Tráng Việt, huyện Mê Linh; do in sai giới tính của ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội và do số cử tri đi bầu chưa đạt quá 50% tổng số cử tri ở 3 đơn vị bầu cử xã Cư San, huyện M’Đrắk.
Ở nơi xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong công tác bầu cử tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, cấp ủy chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh, không khoan nhượng với hình thức khai trừ khỏi đảng đối với người sai phạm, nhất là người có sai phạm nghiêm trọng nằm trong bộ máy công quyền đã góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân. Ông Phùng Minh Chiến, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mê Linh cho biết: “Huyện ủy sau quá trình kiểm tra đã khai trừ khỏi đảng đối với 2 cán bộ. Đó là ông Nguyễn Xuân Hùng- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã và chủ tịch UB bầu cử xã, ông Nguyễn Hữu Hoàn - tổ trưởng tổ bầu cử tại tổ 4 xã Tráng Việt”
Tiếp đó,việc 100% thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia bỏ phiếu kín tán thành ông Trần Văn Nam không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội đã cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật, không vì giữ tiếng “thành công” vo tròn hình thức của cuộc bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử Quốc gia hoàn toàn căn cứ theo Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND, căn cứ quy định các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội đã nhận được sự đánh giá cao của người dân.
Đây không phải lần đầu tiên ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội do có dấu hiệu vi phạm. Trước đó, tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do thiếu trung thực trong khai báo quốc tịch. Cũng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh và hai đại biểu bị mất quyền đại biểu Quốc hội, là ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh do những vi phạm trước đó.
Thực tế đã cho thấy, việc làm trong sạch bộ máy quyền lực cao nhất của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn được thể hiện nhất quán, là việc làm nghiêm túc, thường xuyên liên tục. Từ khâu giới thiệu đại biểu, chuẩn bị cho bầu cử, xem xét đối với những người trúng cử tới cả quá trình công tác đại biểu Quốc hội, phát hiện sai phạm ở đâu xử lý ngay tại đó, kiên quyết không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ở Trung ương và địa phương. Không ai đứng ngoài pháp luật, không ai đứng trên pháp luật, đó cũng chính là tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền, dưới dự lãnh đạo nhất quán của Đảng vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Theo VOV