Có thể khởi kiện Agel Việt Nam

Thứ ba, 19/07/2011 08:52
"Về mặt pháp lý Công ty Agel vẫn "còn sống". Bởi vậy, những người tham gia bán hàng đa cấp có thể khởi kiện hoặc đề nghị tuyên bố phá sản đối với Công ty TNHH Agel Việt Nam tại Tòa án có thẩm quyền", Luật sư Phạm Thanh Bình cho biết.

Luật sư Phạm Thanh Bình.

Trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC) Agel sụp đổ, khiến hàng nghìn người có nguy cơ mất trắng số tiền nhiều tỷ đồng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ - luật sư Phạm Thanh Bình (VP Luật sư Hồng Hà) về khả năng thu hồi tiền cũng như những gì các thành viên của mạng lưới có thể làm để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Thưa luật sư, sau khi phía Agel Mỹ tuyên bố rút vốn, hiện rất nhiều thành viên của mạng lưới này đang băn khoăn về khả năng thu hồi lại tiền của họ. Nhìn trên khía cạnh pháp lý, có cơ hội nào cho họ hay không?

- LS Phạm Thanh Bình: Trong vụ việc này, về mặt pháp lý Công ty vẫn "còn sống". Bởi vậy, những người tham gia BHĐC có thể khởi kiện hoặc đề nghị tuyên bố phá sản đối với Công ty TNHH Agel Việt Nam tại Tòa án có thẩm quyền. Tài sản của Công ty TNHH Agel Việt Nam sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có cả việc thanh toán nợ cho những người tham gia BHĐC. Nếu những tài sản này không đủ để thanh toán các khoản nợ thì phần nợ không thu hồi được sẽ bị coi là rủi ro cho những người tham gia.

- Vậy trách nhiệm của đại diện của Agel tại Việt Nam như thế nào? Có thể cấu thành tội danh lừa đảo không?

- LS Phạm Thanh Bình: Việc Công ty TNHH Agel Việt Nam đột ngột đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh là hành vi thống nhất của các thành viên sở hữu và những người quản lý doanh nghiệp. Với tư cách là người điều hành, quản lý, người đại diện theo pháp luật của Agel Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước về việc chấm dứt hoạt động trái pháp luật của công ty. Đối với Giám đốc, chủ sở hữu doanh nghiệp, việc họ "chỉ sau một đêm đã thu dọn toàn bộ đồ đạc tại ngôi nhà rồi biến mất đến tận bây giờ" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" tùy theo hành vi và tính chất vụ việc.

Trong trường hợp Công ty TNHH Agel Việt Nam chấm dứt hoạt động nhưng không thực hiện theo các quy định của pháp luật về chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp thì về nguyên tắc và về mặt pháp lý doanh nghiệp này vẫn "còn sống"; những người tham gia vẫn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước quản lý can thiệp đối với tài sản công ty, tài sản góp vốn và quy kết trách nhiệm đối với người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu của công ty.

- Một vấn đề cũng đang khiến chính các cơ quan chức năng thụ lý vụ việc này băn khoăn, chính là nhiều trường hợp người tham gia mạng lưới Agel không có hợp đồng rõ ràng, rất khó có căn cứ để giải quyết tranh chấp.

- LS Phạm Thanh Bình: Nếu không có hợp đồng, trong trường hợp có tranh chấp hoặc công ty chấm dứt hoạt động thì hầu hết những người tham gia đều không có cơ sở để "đòi" các quyền lợi của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 110/2005/NĐ-CP thì "Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng tham gia bằng văn bản với người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp". Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các DN đều thực hiện đúng quy định và người tham gia không phải ai cũng biết đến quyền lợi này của mình. Rất nhiều trường hợp người tham gia tự nguyện đăng ký tham gia "vô điều kiện", và họ chỉ được ghi tên trong một danh sách thành viên mà không biết danh sách đó có được coi như là hợp đồng tham gia hay không? Việc báo cáo về người tham gia BHĐC là do doanh nghiệp thực hiện đối với cơ quan Nhà nước; chính vì thế, giữa những người tham gia thực tế và người tham gia mà doanh nghiệp báo cáo với cơ quan Nhà nước cũng rất khó kiểm soát.

- Thưa luật sư, hiện nay rất nhiều người đang bị lôi kéo tham gia vào các mạng lưới BHĐC. Xin ông cho biết họ có thể gặp phải những rủi ro như thế nào khi không nắm được các quy định của pháp luật về loại hình này?

- LS Phạm Thanh Bình:  Rủi ro thứ nhất là vấn đề hợp đồng, như tôi đã nói ở trên. Thứ 2 là họ có thể bị bóc lột nếu họ không nhận biết được "BHĐC chân chính" và "BHĐC bất chính". BHĐC bất chính là hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà luật cạnh tranh nghiêm cấm các DN thực hiện. Tuy nhiên, ranh giới giữa 2 loại này rất mong manh và việc cơ quan Nhà nước có thể kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh thực tế của các DN rất khó khăn. Có thể nhận diện BHĐC "bất chính" là lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm, mà từ việc tuyển mộ các thành viên mới. Số lượng sản phẩm tiêu thụ được sẽ chỉ tương xứng với số người tham gia. Để được là thành viên, người tham gia phải buộc mua một số sản phẩm tương ứng với một mức tiền nhất định mà tổ chức đó đặt ra. Do đó, thay vì một cá nhân tích cực tiếp thị và bán sản phẩm, thì họ lại tìm cách tạo ra mạng lưới của mình và "buộc" họ cũng phải mua sản phẩm như mình. Khi đó, các công ty BHĐC "bất chính" và thành viên cấp trên lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới của mình.

Ngoài ra, người tham gia BHĐC còn có thể gặp rủi ro về hàng hóa nhận bán, tiền mua hàng, tiền hoa hồng… từ doanh nghiệp BHĐC. Trong trường hợp số lượng hàng hóa mua của DN không thể bán được do sức tiêu thụ mặt hàng này thấp, nhưng thời hạn mua lại đã quá "30 ngày, kể từ ngày người tham gia nhận hàng" hoặc như trường hợp của Công ty Agel Việt Nam, DN BHĐC mà "ngừng hoạt động một cách đột ngột" thì số lượng hàng hóa mà người tham gia ký gửi có thể sẽ không thu hồi được hoặc chỉ có thể thu được phần nào. Cùng với đó, có thể người tham gia BHĐC còn có thể mất trắng số tiền mà mình đã dùng để "ôm hàng" hoặc số tiền hoa hồng mà DN chưa thanh toán.

- Xin  cảm ơn luật sư!

Theo Yến Hân / CAND

 

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra