Trong số 499 đại biểu Quốc hội khóa XV có 296 đại biểu lần đầu tiên tham gia hoạt động nghị trường. Vinh dự, tự hào là cảm xúc chung của họ. Xác định trở thành đại biểu của dân, họ đã và đang học hỏi kinh nghiệm cách thức tiếp xúc với cử tri, phương pháp để lắng nghe hiệu quả nhất những kiến nghị của cử tri; cố gắng không ngừng phấn đấu, góp phần xây dựng Quốc hội gần dân.
Hội nghị tập huấn cho người mới trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên (Ảnh: Lê Hiếu)
Các đại biểu mới được cử tri bầu vừa có vinh dự lớn, vừa có trọng trách lớn. Người dân mong mỏi họ sẽ góp phần tích cực, có ý nghĩa vào sự phát triển chung của đất nước./ Vì vậy, mỗi đại biểu quốc hội không cách nào khác là phải không ngừng phấn đấu để nâng tầm trí tuệ, nâng cao năng lực đại biểu và bản lĩnh nghị trường, nhất là trong việc chuyển tải, đề đạt ý nguyện của nhân dân.
Theo bà Nguyễn Lệ Hằng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nói đi đôi với làm, lời hứa đi cùng với hành động thì sẽ đạt những điều người dân mong mỏi. “Đã có lời hứa thì mong họ làm tốt điều đó, vì thường hứa phải đi đôi với việc làm. Tránh tình trạng trước bầu cử thì hứa sôi động mà không làm được thì rất đáng tiếc. Khi đã mất lòng tin là mất tất cả, nên điều cử tri luôn mong muốn các đại biểu của dân là phải hành động, hành động và hành động”, bà Hằng bày tỏ.
Ông Trịnh Hồng Khánh ở tỉnh Nghệ An cho rằng, khi bỏ lá phiếu để bầu chọn, cử tri mong bầu ra những đại diện giữ được mối liên hệ với cử tri, luôn sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cùng với việc phải làm tốt nhiệm vụ giám sát, vai trò cầu nối giữa người dân và chính quyền.
“Cử tri mong muốn các đại biểu làm tròn nhiệm vụ giám sát, những nội dung hứa với cử tri thành hiện thực, chứ không như những trường hợp trước đây, hết nhiệm kỳ rồi vẫn chưa quy trách nhiệm được”, ông Khánh chia sẻ.
Đừng để cử tri thất vọng về đại diện của mình
Vinh dự, tự hào cũng là cảm xúc chung của 296 đại biểu lần đầu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, công tác tại Văn phòng Quốc hội, người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay, đan xen với cảm xúc tự hào là ý thức về trách nhiệm của người đại diện cho nhân dân.
“Lần đầu tiên trúng cử tôi thấy vinh dự và tự hào, bởi những cố gắng nỗ lực suốt 25 năm ở Quốc hội của tôi được cơ quan ghi nhận giới thiệu ứng cử, được cử tri bầu. Bên cạnh đó bản thân thấy cũng có trách nhiệm nặng nề để đạt đươc kỳ vọng của cử tri”, bà Thoa nói.
Cô giáo Hà Ánh Phượng (SN 1991, dân tộc Mường, quê xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) là người Việt Nam duy nhất được tổ chức Varkey Foundation công bố trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 với những sáng kiến và sáng tạo trong giáo dục, có ảnh hưởng đến cộng đồng. Giải thưởng này được coi như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới. Vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Phượng cũng rất tự hào và sẵn sàng đón một thử thách mới - người đại biểu nhân dân.
25 năm công tác tại cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội nhưng đây là lần đầu tiên ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Phương Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp luật có tâm trạng vui mừng, lo lắng đan xen. Tuy nhiên, trên hết là ý thức trách nhiệm đối với mỗi lá phiếu mà cử tri đã dành cho mình.
“Là đại biểu Quốc hội, chúng tôi không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao mà tầm hoạt động của đại biểu Quốc hội cần chúng tôi vượt ra khỏi những khuôn khổ, giới hạn, kiến thức, kinh nghiệm đã có. Bởi mọi bức xúc lo lắng của người dân đều cần chúng tôi chuyển tải đến các cấp có thẩm quyền, góp sức cùng các cơ quan chức năng có những giải pháp, cách thức xử lý phù hợp nhất… Mỗi lá phiếu của cử tri dành cho cá nhân tôi cũng như các đại biểu mà họ tin tưởng, tôi cảm nhận được niềm tin, kỳ vọng họ gửi vào Đảng, Nhà nước”, bà Thủy bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Ảnh: quochoi.vn)
Phải thực sự gắn bó chặt chẽ với cử tri
Những đại biểu lần đầu tham gia nghị trường, đặc biệt là những đại biểu trẻ phải chuẩn bị cho mình tâm thế ra sao để xứng đáng với sự bầu chọn của cử tri? Kinh nghiệm của những người đi trước đó là, phải gần gần gũi và chia sẻ cùng người dân.
Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, điều quan trọng nhất đối với những đại biểu lần đầu, đặc biệt những đại biểu trẻ cần gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân. “Các đại biểu mới sẽ được tập huấn để trang bị những kĩ năng đầy đủ, nhưng quan trọng hơn là phải chịu khó đi gần dân, sát dân để nghe dân nói, chính cái đó mới bổ sung cho năng lực, phẩm chất, đạo đức của đại biểu”, ông Hoàng chia sẻ.
Điều cử tri mong đợi là đại biểu trúng cử sẽ giữ lời hứa, cũng là giữ chữ tín, danh dự với nhân dân. Bởi khi ứng cử, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, những người trúng cử đại biểu Quốc hội đã đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động, những lời hứa của mình với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội.
Muốn giữ lời hứa, trước hết, họ phải thực sự gắn bó chặt chẽ với cử tri. Chỉ có đại biểu gắn bó với cử tri mới có nhiều thông tin từ thực tiễn, bắt mạch được hơi thở cuộc sống và tiếng nói tại diễn đàn Quốc hội thường “nặng ký” hơn, tránh được chủ quan, duy ý chí, góp phần bảo đảm để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.
Ngoài việc lắng nghe dân, điều quan trọng cần phải làm là nói lên được tiếng nói của người dân. Đại biểu Quốc hội phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong các kỳ họp, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên diễn đàn Quốc hội. Ông Phùng Văn Hùng, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, khi tham gia làm chính khách là mình đóng góp trí tuệ, công sức của mình cho những vấn đề quan trọng của đất nước.
Cử tri không cần những đại biểu chỉ ngồi đúng chỗ, im lặng lắng nghe các cơ quan Chính phủ báo cáo, làm “nghị gật”, “nghị ngồi”, ngại nói lên chính kiến, e dè trong phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Muốn có uy tín đối với cử tri, các đại biểu trẻ phải không ngừng học tập, học hỏi ở những người đi trước và học ở cả người dân.
Để có ít phút phát biểu tại Quốc hội, đại biểu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thu thập thông tin nhiều chiều thì ý kiến mới có trọng lượng và có khả năng được tiếp thu. Tránh tình trạng đề cập vấn đề một cách chung chung, không cụ thể, thiếu bằng chứng từ thực tế.
Lần đầu tiên tham gia vào nghị trường ở khóa XIII, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê vẫn nhớ bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội về những chính sách đối với người lao động. Ông đã tập rất nhiều lần trước đó để căn đúng thời gian truyền tải nội dung theo quy định của Quốc hội. Dù lần đầu ấy vẫn bị quá thời lượng cho phép nhưng những cố gắng, nỗ lực đưa ra vấn đề có bằng chứng cụ thể đã được các bộ, ngành giải quyết sau đó. Và điều mà đại biểu Y Khút Niê rút ra là ngay cả kỹ năng đặt vấn đề, phong cách trình bày ý kiến, đặt câu hỏi chất vấn cho rõ ràng, mạch lạc cũng là những điều mà mỗi đại biểu lần đầu làm đại biểu dân cử đều phải học hỏi và rèn luyện.
“Các đại biểu phải thấy được trách nhiệm của dân, của Đảng giao phó. Luôn nghĩ vì dân vì nước, để học tập trên nhiều lĩnh vực, tham gia phát biểu có chất lượng trên nghị trường và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, ông Y Khút Niê tâm sự.
5 năm sẽ là thời gian để những đại biểu trưởng thành. Và cử tri sẽ là người nhận thấy rõ nhất những gì họ làm được, những cố gắng, nỗ lực và tâm-lực của người đại diện của mình dành cho dân, cho nước, có xứng đáng hay không với sự lựa chọn lá phiếu đã bầu./.
Theo VOV