Đất Cty Dệt 8-3 thành khu đô thị: Tập đoàn Dệt may không liên quan

Thứ bảy, 11/09/2010 21:12
Ngày 10-9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, không liên quan gì trong việc xây dựng Khu đô thị sinh thái Eco City, trên nền đất của Cty Dệt 8-3.
Tin liên quan:

> Vụ công nhân Cty Dệt 8-3 vây tập đoàn: Đề nghị công khai nội dung hợp tác với Vincom

Mảnh đất của Cty Dệt 8-3 sẽ thành khu đô thị sinh thái Eco City.
Ảnh: Phong Cầm.


Ông Trường cho biết: Dự án xây dựng đô thị trên do Cty Cổ phần Đô thị Nam Hà Nội làm chủ đầu tư. Hơn nữa, Cty Dệt 8-3 là một pháp nhân, đơn vị thành viên của tập đoàn. Nhưng Vinatex không tham gia đầu tư vào dự án, do đó, Vinatex không đủ thẩm quyền để chia sẻ thông tin về nội dung dự án. Vinatex chỉ thực hiện giám sát các hoạt động liên quan đến chế độ người lao động và việc di dời của Cty Dệt 8-3 thôi.

Vậy qua giám sát, ông có phát hiện vấn đề gì chưa hợp lý trong việc thực hiện di chuyển nhà máy, khiến lao động bức xúc?

Ở đây lao động thì nói là không biết thông tin gì về di dời, nhưng thực tế trên các biểu ngữ treo tại Cty đã nói rõ năm 2010 quyết tâm thực hiện việc di chuyển. Bởi đây là thực hiện theo quyết định của Thủ tướng, nếu doanh nghiệp không chịu di chuyển cũng sẽ bị đóng cửa, do ô nhiễm môi trường. Còn về quyền lợi người lao động, với những nội dung thông báo, thì người lao động đã được hưởng khá nhiều chế độ cao hơn cả quy định của luật.

Nhưng người lao động băn khoăn bởi không ai biết việc đất nhà máy thành khu đô thị như thế nào?

ông Lê Tiến Trường.


Cái này, theo tôi người lao động không cần quan tâm, vì đây là đất thuộc sở hữu Nhà nước, doanh nghiệp lâu nay đi thuê, nay chuyển đi thì phải trả cho Nhà nước. Còn việc Nhà nước dùng đất đó làm gì là quyền của Nhà nước, không liên quan đến người lao động. Tuy nhiên, do Cty cũng là của Nhà nước, lại là đơn vị có truyền thống, nên khi di dời được Nhà nước cho sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà máy mới.

Số tiền từ chuyển quyền sử dụng đất, Cty Dệt 8-3 được hưởng bao nhiêu?


Về nguyên tắc, Cty Dệt 8-3 sẽ được hưởng toàn bộ tiền chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà máy dệt may mới.

Cụ thể là bao nhiêu tiền?

Cái này chưa rõ vì chưa giải phóng mặt bằng xong, nên chưa tính toán cụ thể được. Khi có mặt bằng sạch rồi, có quy hoạch 1/500 của thành phố đầy đủ rồi, lúc đó mới tính toán được.

Nhưng nghe nói có một khu đất thuộc Cty Dệt 8-3 nhà đầu tư đã xây dựng rồi?

Họ chưa xây dựng gì, họ chỉ mới san lấp mặt bằng và khoan một vài lỗ để thăm dò địa chất. Từ đó tính toán sơ lược xem nên đấu thầu ở mức độ nào.

Theo ông nói thì dự án sau đó sẽ đưa ra đấu giá?

Cái này tôi không rõ. Chúng tôi chỉ thực hiện trả lại mặt bằng, còn đất đó sau này được sử dụng ra sao, cách tính toán thế nào do chính quyền Hà Nội và Chính phủ quyết định.

Cty Dệt 8-3 và Vinatex có tham gia đầu tư gì trong dự án bất động sản này không?

Đây là lĩnh vực nằm ngoài nhiệm vụ kinh doanh chính của Vinatex, nên chúng tôi có muốn tham gia cũng không dễ, phải xin phép Chính phủ.

Vì sao Cty Dệt 8-3 phải chuyển tới ba nơi, thưa ông?

Chuyển phần dệt và nhuộm về khu vực Phố Nối (Hưng Yên), vì ở đó được quy hoạch cho dệt nhuộm, có sẵn nhà máy xử lý nước thải. Nếu bây giờ đem đến một chỗ đất mới, Cty Dệt 8-3 lấy đâu tiền để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Còn sợi chuyển về Phú Xuyên vì đất đai làm sợi phù hợp, gắn với cụm các nhà máy sợi của Hanoisimex. Chúng tôi tính toán như vậy, vừa để giảm suất đầu tư, vừa để nhà máy sau này hoạt động giảm được chi phí.

Bá Kiên - Phong Cầm- tienphong.vn

 

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra