 |
Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước |
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu tại Hội nghị nghiệm thu chiều 21/9, T.S Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thường trực, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước “Khiếu nại, tố cáo hành chính – cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp” ngoài mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận về khiếu nại, tố cáo hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, còn nhằm đánh giá đúng tình hình khiếu nại, tố cáo hành chính và thực trạng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, những tồn tại hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính giai đoạn hiện nay, đề xuất định hướng, nguyên tắc và hệ thống các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trên cơ sở dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đặt ra đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính trong thời gian tới, hệ thống các giải pháp được nhóm nghiên cứu Đề tài đưa ra gồm hai nhóm: các giải pháp hoàn thiện về khiếu nại, tố cáo hành chính và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Đồng thời, Ban chủ nhiệm Đề tài cũng đưa ra 8 kiến nghị liên quan đến việc bảo đảm để các chủ thể thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính, trong đó đặc biệt là việc đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Theo đó, đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính là vấn đề lớn, đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo hành chính và hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Ban chủ nhiệm Đề tài kiến nghị, việc đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính không thể thực hiện một cách độc lập mà phải đặt trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế hiện nay. "Đó cũng là những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo hành chính và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính", T.S Lê Tiến Hào, Chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh
 |
TS. Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thường trực, Chủ nhiệm Đề tài |
Đánh giá về kết quả nghiên cứu của Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều nhất trí cho rằng, đây thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và có nhiều thành công, đóng góp đáng kể cho khoa học chuyên ngành. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, tính mới, sáng tạo của Đề tài thể hiện ở chỗ, nhóm nghiên cứu không chỉ làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò của khiếu nại, tố cáo và tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời cũng là kiểm soát hoạt động hành chính mà còn phát hiện vấn đề mới là sự khác biệt, độc lập tương đối về tính chất, quy trình giải quyết khiếu nại và tố cáo hành chính. Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, ý nghĩa lý luận của các quan điểm và giải pháp được nhóm nghiên cứu đề tài nêu ra đã đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời kỳ mới và yêu cầu đổi mới, tăng cường hoạt động này cũng như đổi mới về mô hình và phương thức giải quyết cho phù hợp, có hiệu quả. Về ý nghĩa thực tiễn của đề tài, T.S Đức nhận xét, “đề tài đã bổ sung những tri thức mới góp phần làm chuyển biến nhận thức của xã hội. Đây là nguồn tham khảo quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, cung cấp tư liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên, học viên, giảng viên, nhà khoa học trong các lĩnh vực chính trị học, luật học, xã hội học”
Đánh giá về kết quả vượt trội của đề tài, T.S Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đề tài đã chuẩn hóa một số khái niệm như khiếu nại hành chính, tố cáo hành chính, cơ chế giải quyết KNTC. T.S Trần Đức Lượng cũng khẳng định kết quả nghiên cứu đề tài có giá trị lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và trên thực tế có nhiều nội dung nghiên cứu của đề tài đã được tiếp thu thể hiện trong hai dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.
 |
T.S Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ |
Cùng quan điểm với PGS.TS Bùi Xuân Đức và T.S Trần Đức Lượng, PGS. TS Nguyễn Như Phát, Viện Nhà nước và Pháp luật khi đánh giá về những thành công và đóng góp của Đề tài đã nhấn mạnh, thông qua việc phân tích các số liệu, Đề tài đã trình bày rõ về thực trạng khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam trong thời gian qua, nêu và phân tích các nội dung và nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo hành chính, đặc biệt, đề tài đã phát hiện nhiều bất cập của pháp luật trước yêu cầu thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính và nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đặt ra đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính trong thời gian tới, Đề tài đã nêu và phân tích khá rõ những định hướng hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, đề xuất những giải pháp khá cụ thể về hoàn thiện pháp luật. “Những kiến nghị của Đề tài là kết quả rút ra từ nghiên cứu, đánh giá thực trạng và phù hợp với yêu cầu hoàn thiện thể chế. Vì vậy, nhìn chung, chúng mang tính sáng tạo và có giá trị tham khảo”, PGS. TS Nguyễn Như Phát nhận xét.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn mang tính liên ngành, đa ngành về khiếu nại, tố cáo hành chính, tăng cường tổng kết, đánh giá thêm về những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo so với pháp luật thực định, trên cơ sở đó hoàn thiện kết quả nghiên cứu, để Đề tài hoàn chỉnh và có giá trị cao hơn nữa./.
Song Tú