Giám sát việc Trung Quốc thuê đất trồng khoai lang

Thứ sáu, 22/07/2011 07:35
Đó là ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Diệp tại buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương có liên quan đến việc người dân địa phương cho thương nhân Trung Quốc thuê đất trồng khoai lang và lập kho bãi đóng gói, trung chuyển sản phẩm khoai lang tại hai huyện Bình Tân và Bình Minh.

Khoai lang sản xuất tại Việt Nam nhưng đóng thùng mang địa chỉ tại Trung Quốc.
Ảnh: Ngọc Tùng

Tổng hợp báo cáo của phòng NN&PTNT Bình Minh và Bình Tân – hai huyện tập trung hầu hết diện tích trồng khoai lang ở Vĩnh Long, tới thời điểm này đã có hơn 5.700ha đất nông nghiệp đang canh tác khoai lang. Trong đó, Bình Tân nổi tiếng với sản phẩm khoai lang Tân Quới (chiếm hơn 5.500ha).

Theo ngành nông nghiệp huyện Bình Minh, địa bàn xã Thuận An (huyện Bình Minh) nằm ven Quốc lộ I A, gần vùng sản xuất khoai và giao thông đường bộ cho phép phương tiện trọng tải lớn… nên được các thương lái chú ý đầu tư nhiều kho bãi lên xuống hàng hóa. Do vậy, các thương nhân người Trung Quốc đã thuê một số thương lái người Việt Nam từ một số tỉnh khác đến thuê đất, thành lập vựa thu mua khoai lang. Theo báo cáo của UBND huyện Bình Minh, hiện nay đã có 19 thương nhân Trung Quốc đang điều hành việc sản xuất và thu mua khoai lang tại xã Thuận An.

Để phục vụ cho hoạt động phân loại, bốc xếp… đã có 10 kho chứa hàng với tổng diện tích 3.425m2 được thương nhân Trung Quốc thuê làm điểm thu mua, tập kết và đóng gói khoai lang và xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Cũng theo UBND huyện Bình Minh, số lượng lao động làm thuê tại các kho này trên 480 người, được thuê để phân loại khoai với giá từ 10.000 đồng/giờ làm việc (ban ngày) đến 15.000 đồng/giờ làm việc (ban đêm). Được biết, hoạt động thu mua khoai lang đều qua thương lái hoặc từ người trồng chuyển đến bán trực tiếp tại vựa, sản phẩm được đóng thùng hoặc vô bao. Vận chuyển bằng xe tải qua cửa khẩu phía Bắc xuất sang Trung Quốc. Thông qua khảo sát, việc mua bán khoai giữa người Trung Quốc và các đầu mối trung gian đều không có hợp đồng, chỉ tổ chức thu mua theo thời vụ tại kho bãi, hoặc thông qua thương lái khoai, giá cả theo thị trường tại thời điểm thu mua.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, thương nhân người Trung Quốc còn thông qua các đầu mối người Việt Nam tổ chức thuê đất để trồng khoai. Đã có 46 ha đất lúa tại xã Thuận An đã cho thuê để trồng khoai với giá thuê đất là 35 triệu đồng/ha/năm (thời hạn thuê trong 3 năm). Đồng thời thuê nhân công trực tiếp sản xuất và chăm sóc với giá từ 80.000 -120.000 đồng/ngày. Riêng người quản lý và phụ trách kỹ thuật được trả lương 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, phó giám đốc sở NN&PTNT cho rằng, qua kiểm tra chuyên môn đã phát hiện tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nhãn mác hoặc đã xóa nhãn; cơ cấu giống khoai tập trung lớn ở một số giống sẽ gây bất lợi cho nông dân trồng khoai trong toàn tỉnh.

Ông Roãn Ngọc Chiến, giám đốc sở Tài nguyên môi trường lo ngại, rủi ro khi cho người nước ngoài thuê đất mở kho rất lớn, vì theo ông Chiến, chỉ có chủ tịch UBND tỉnh mới có thẩm quyền này. Việc sử dụng nông dược không rõ nguồn gốc không chỉ đe dọa môi trường mà còn gây tổn hại cho đặc sản khoai lang Vĩnh Long. Trong lúc đó, ông Phạm Chí Phương, phó giám đốc sở Công Thương khẳng định thêm, việc thành lập các trạm thu mua khoai lang như hiện tại là trái với quy định của pháp luật Việt Nam; sử dụng trên 10 lao động mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp, không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế… và đặc biệt là bao bì nhãn mác không phù hợp với quy định hiện hành.

Theo  Ngọc Tùng / SGTT

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra