Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 tiếp thêm động lực vào thành công của ASEAN.

Thứ tư, 25/08/2010 16:36
(Thanhtravietnam.vn) - Hôm nay, 25/8, tại Đà Nẵng đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42), Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 (AEC 4) và các Hội nghị có liên quan.

Tham dự Hội nghị có 18 Bộ trưởng Kinh tế, gồm Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và 8 nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu-di-lân, Ấn Độ, EU, Nga). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng nhận định, năm 2010 là năm bản lề của tiến trình hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang có những tiến triển quan trọng. Những cam kết hội nhập, các chương trình hợp tác kinh tế cốt lõi của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang từng bước đi vào cuộc sống. Một thị trường chung, một không gian kinh tế thống nhất đang hình thành dựa trên sự hài hòa cao độ về các quy tắc thương mại trong nước và khả năng điều phối chính sách vĩ mô giữa các thành viên ASEAN. Việc xây dựng AEC đã thể hiện rõ nhất cam kết mạnh mẽ và nhất quán của ASEAN về các mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, những thách thức do sự tiềm ẩn các bất ổn vĩ mô, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... vẫn còn ở phía trước. Do đó, “sự ủng hộ, thông cảm và chia sẻ lẫn nhau của Cộng đồng ASEAN sẽ là nguồn động viên thiết thực cho từng thành viên”.

Trong những năm qua, sự trưởng thành của ASEAN có sự đóng góp quan trọng về kết quả liên kết kinh tế ASEAN. Chặng đường tiến đến mục tiêu AEC đã vượt qua nhiều cột mốc đáng khích lệ. Khu vực thương mại tự do ASEAN về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư đang hình thành một cách vững chắc. Một số Chương trình hợp tác trọng điểm như Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, Chương trình thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ đã mang lại triển vọng mới về môi trường kinh doanh thông thoáng, gắn kết của ASEAN. Thêm vào đó, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN mà Hiệp hội đang xây dựng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực liên kết kinh tế ASEAN sâu rộng hơn, thông qua mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, thể chế và giao lưu của người dân trong ASEAN, tạo nền tảng để mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á, trong đó ASEAN là trung tâm.

Thủ tướng cho rằng trên phương diện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đang tạo ra những mối liên kết khăng khít thông qua các khu vực thương mại tự do với các đối tác. Năm 2010, ASEAN đã cơ bản khép kín Vòng cung thiết lập các khu vực thương mại tự do với sự tham gia của 16 quốc gia Đông Á mà AEC chính là tâm điểm của mối giao thoa đó. Việc triển khai Thoả thuận Đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai; thành lập Quĩ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN sẽ góp phần ổn định tài chính, phục hồi và duy trì tăng trưởng của khu vực. Những điều này càng có ý nghĩa hơn trong việc xác lập vững chắc vị trí “trung tâm của ASEAN” trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh “dù ASEAN đã có những thành công quan trọng nhưng bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn những nhân tố bất định khó lường”; do đó, Thủ tướng gợi ý một số vấn đề mà Hội nghị lần này nên tập trung xem xét như: Tìm kiếm các giải pháp thiết thực, sáng tạo để thúc đẩy việc thực thi một cách nghiêm túc và có hiệu quả Lộ trình tổng thể thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015; theo đuổi các chính sách phát triển cân bằng và bền vững, nhất là bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với yêu cầu bảo đảm sự ổn định của nền tảng kinh tế vĩ mô, phát triển xã hội và ứng phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng bất ổn về kinh tế; Củng cố và hoàn thiện khung khổ hợp tác kinh tế hiện có giữa ASEAN với các bên đối tác nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tạo cơ sở vật chất cho một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn đang hình thành. và nâng cao hiệu quả tối đa các hoạt động hợp tác kinh tế của ASEAN và khu vực; trong đó quan tâm đến những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nhằm đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, các vùng miền trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý “việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thành công nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là doanh nghiệp và người dân ASEAN. Cơ chế hợp tác của ASEAN cần tạo cơ hội nhiều hơn để doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân hiểu được và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN. Những kết quả mà AEC mang lại phải phản ánh được nguyện vọng của doanh nghiệp và người dân ASEAN cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho họ”.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã bày tỏ sự tin tưởng rằng Hội nghị lần này, các Bộ trưởng kinh tế của ASEAN và các nước đối tác sẽ cùng nhau thảo luận sâu sắc và hiệu quả hơn về các phương hướng và biện pháp thực hiện các mục tiêu hội nhập khu vực nhằm góp phần vào thành công chung của ASEAN trong năm 2010 cũng như tiếp thêm động lực cho những năm tiếp theo./. 

Bảo Anh (tổng hợp)

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra