 |
Ông Hoàng Đức Long- Phó Chánh Thanh tra TPHCM. Ảnh sggp.org.vn |
- Phóng viên: Sau gần ba năm thực hiện Đề án 3, nhận thức pháp luật về KN-TC của cán bộ cơ sở và người dân đã được nâng cao như thế nào, thưa ông?
- Ông HOÀNG ĐỨC LONG: Trong năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, Thanh tra TPHCM và các quận – huyện, sở - ngành đã tổ chức 5.971 cuộc tập huấn, tuyên truyền pháp luật về KN-TC với 313.589 lượt cán bộ, công chức, người dân tham dự; phát hành 27.674 quyển sách, tờ rơi phổ biến về Luật KN-TC và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiếp dân, giải quyết KN-TC.
Ngoài ra, Thanh tra TPHCM còn phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thi “Tìm hiểu pháp luật về KN-TC”; chuyên trang “Pháp luật và Công dân” phát hành vào thứ năm hàng tuần trên báo Sài Gòn Giải Phóng; chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” phát thanh trên sóng AM 610 KHZ Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM vào thứ hai hàng tuần từ 14 giờ đến 14 giờ 30 và phát lại vào lúc 21 giờ 30 đến 22 giờ. Bên cạnh đó, Thanh tra TP đã tổ chức 3 vòng thi tìm hiểu pháp luật về KN-TC, đất đai và an toàn giao thông với sự tham dự của các hội viên Hội Nông dân 13 quận – huyện, phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức 2 vòng thi tìm hiểu pháp luật KN-TC cho đối tượng là cán bộ, công chức và nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc 23/24 quận-huyện.
Sau gần ba năm thực hiện Đề án 3, kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ chủ chốt và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết KN-TC được nâng cao trên nhiều mặt. Cán bộ đã hiểu và làm đúng các quy định của Luật KN-TC cũng như quy định của TP, từ đó nâng cao trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN-TC; đồng thời người dân cũng hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về KN-TC, qua đó giảm thiểu tình trạng KN vượt cấp, KN kéo dài, người dân trước khi thực hiện quyền KN-TC cũng cân nhắc kỹ cho đúng pháp luật.
- Dù trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC, chúng ta đã thực hiện các hình thức như trên nhưng nội dung tuyên truyền chưa thật phong phú?
- Hiện nay, cách phổ biến pháp luật chủ yếu là sử dụng hình thức truyền thống – tuyên truyền miệng. Trong năm 2010, Thanh tra TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng hơn như lồng ghép nội dung pháp luật vào các buổi họp thôn, khu vực và cụm dân cư; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho người dân; tiếp tục đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt trong CLB Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, CLB trợ giúp pháp lý nhằm tạo phong trào học tập pháp luật sô nổi, mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, Thanh tra TP phối hợp với Hội Luật gia triển khai thực hiện một số hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật phong phú…
- Dường như việc tuyên truyền pháp luật về KN-TC đến cơ sở vẫn chưa thật sâu. Có phải là do chưa có đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên mạnh về số lượng và chất lượng?
- Do lâu nay các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng đáp ứng công tác tuyên truyền nên có một thực tế là ở cấp TP, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tương đối mạnh, còn ở cấp quận-huyện lại yếu. Vì vậy, khi có yêu cầu của sở - ngành, quận – huyện, Thanh tra TPHCM phải tập trung nhân lực để đáp ứng. Song, về phía mình, lực lượng báo cáo viên của Thanh tra TPHCM cũng còn mỏng do phải tập trung phần lớn thời gian cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Đó cũng là nguyên nhân khiến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC đôi lúc chưa đạt chất lượng như mong muốn.
- Kinh phí được cấp hạn chế có là một trong những khó khăn khi thực hiện đề án?
- Về kinh phí cấp phát, tuy đã được nâng lên ở một số khoản mục nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác này; nhất là kinh phí thực hiện việc tổ chức hội thi còn quá hạn chế, chưa thật sự khuyến khích về mặt vật chất đối với các đơn vị tham gia. Chẳng hạn như giải thưởng trong Hội thi Tìm hiểu pháp luật về KN-TC năm 2009 cho ba đơn vị dẫn đầu chỉ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/giải, không đủ bù vào chi phí chuẩn bị cho hội thi. Còn chi phí thuê người dẫn chương trình chỉ được duyệt 150.000 đồng/ngày/người. Cũng do kinh phí bị hạn chế nên việc quay clip hoặc diễn tiểu phẩm về xử lý các tình huống KN-TC - các hình thức tuyên truyền gây ấn tượng và dễ đi vào trí nhớ của người dân hơn – vẫn chưa thực hiện được.
- Được biết, Đề án 3 sẽ kết thúc vào cuối năm 2010, vậy sau đó chúng ta sẽ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC đến cơ sở bằng cách nào?
- Để việc KN-TC và giải quyết KN-TC đúng pháp luật, qua đó góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo soạn thảo dự án Luật KN, Luật TC trình Quốc hội cho ý kiến và phối hợp cùng cơ quan hữu quan xây dựng, công bố dự thảo luật để lấy ý kiến đóng góp. Do vậy, có thể khẳng định, trong thời gian tới, dù hết thời hạn thực hiện Đề án 3, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC đến cán bộ và người dân.
Những hiệu quả thiết thực của Đề án 3 giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi KN-TC, thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật; góp phần nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và đề cao trách nhiệm của cán bộ ở xã, phường, thị trấn trong việc tiếp công dân, giải quyết KN-TC. Ngoài ra, Đề án 3 nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC cho cán bộ ở xã, phường, thị trấn làm công tác này; tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN-TC, giải quyết các tranh chấp phát sinh từ xã, phường, thị trấn, góp phần hạn chế KN-TC tràn lan, vượt cấp và toàn ngành đang tiến hành tổng kết vào cuối năm 2010, Thanh tra TPHCM dự kiến sẽ trình để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới./.
Ái Chân - SGGP Online