Khảo sát thực trạng tiếp cận thông tin về phòng, chống tham nhũng của người dân

Thứ ba, 05/04/2011 20:13
(Thanhtravietnam.vn) – Hôm nay 5/4, tại Hà Nội, Viện Khoa học thanh tra (KHTT) đã tổ chức Hội thảo về “Khảo sát thực trạng tiếp cận thông tin về tham nhũng và phòng chống tham nhũng của người dân”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực của Thanh tra Chính phủ và Chính phủ Việt Nam trong công tác theo dõi và báo cáo về thực trạng tham nhũng và phòng, chống tham nhũng”.

Dự kiến việc khảo sát sẽ được thực hiện tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Sẽ có 5 nhóm thông tin được đưa ra để khảo sát. Đó là: chủ trương, chính sách, VBPL liên quan đến phòng, chống tham nhũng; báo cáo của cơ quan nhà nước về tham nhũng; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; thông tin về hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện pháp luật về PCTN (công khai, minh bạch); việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.

Đối tượng khảo sát bao gồm: người dân (hưu trí, công nhân, nông dân, tiểu thương, sinh viên) và cán bộ chuyên trách chống tham nhũng. Căn cứ theo hai loại đối tượng, có 2 mẫu phiếu khảo sát đã được đơn vị tư vấn đưa ra để lấy ý kiến. Đối với với đối tượng người dân, phiếu khảo sát sẽ được đưa tới tận tay để lấy ý kiến, còn với đối tượng là cán bộ chuyên trách chống tham nhũng, phương pháp khảo sát có thể qua đường công văn, điện thoại.

Mục đích của hội thảo là lấy ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, các nhà tư vấn và các đại biểu về mẫu phiếu sẽ được gửi đến các đối tượng tham gia chương trình khảo sát.


Tham dự Hội thảo, ông Trần Đăng Vinh, Phó Chánh Văn phòng TTCP góp ý nên đưa thêm một số nội dung như nhu cầu được biết về thông tin phòng chống tham nhũng trong người dân, thái độ của công chúng đối với tình trạng tham nhũng hiện nay vào phiếu khảo sát. Ông Vinh cũng cho rằng nên mở rộng hơn phạm vi khảo sát như thêm các tỉnh thuộc miền núi, trung du.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện KHTT thì nhận định việc phát phiếu khảo sát đối với hai cơ quan Thanh tra và Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng giống như “xôi chấm xôi”, khó đạt được kết quả như mong đợi. Ông Minh đề xuất phải phát phiếu điều tra tới trực tiếp các cơ quan có thể nảy sinh tham nhũng.

Theo ông Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm, đơn vị tư vấn của dự án, mục tiêu của đợt khảo sát lần này là nhằm cung cấp thông tin đầu vào cho việc tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; đánh giá thực trạng thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.

V.A

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra