Đó là những vấn đề về tổ chức không gian đô thị Hà Nội được nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch, đô thị trung tâm của Hà Nội sẽ là nơi bố trí trụ sở của các cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia, Thành phố; trụ sở của các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán; các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.
 |
Các khu phố cổ và khu phố cũ sẽ được bảo tồn, tôn tạo để tạo cảnh quan và không gian sống độc đáo với nhiều nét văn hóa truyền thống. Ảnh:T.H |
Hướng mở rộng, đô thị trung tâm của Hà Nội sẽ được phát triển từ nội đô về các hướng như: phía Tây, Nam đến đường vành đai 4; phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Khu nội đô lịch sử sẽ được giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2 dành để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ và khu phố cũ (Pháp) tạo cảnh quan và không gian sống độc đáo với nhiều nét văn hóa truyền thống. Thành phố cũng sẽ có nhiệm vụ triển khai các dự án trùng tu, nâng cấp, cải tạo các công trình cổ, các công trình kiến trúc kiểu Pháp.
Bên cạnh đó hệ thống các trung tâm công cộng bao gồm trung tâm thành phố hiện có như trung tâm hành chính – chính trị quốc gia Ba Đình, trung tâm hành chính – chính trị của Thành phố tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được hoàn thiện hơn cùng với việc cải tạo các khu chung cư cũ theo hướng không tăng mật độ dân số và mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và các công trình hạ tầng xã hội. Chỉnh trang các khu dân cư tự phát, nhà hình ống, làm mất mỹ quan đô thị. Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài.
Khu nội đô mở rộng được giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ sẽ phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại và đây cũng sẽ là khu vực chính thu hút dân từ nội đô lịch sử tới. Song song với khu nội đô mở rộng, các khu vực khác như: khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến Nam sông Cà Lồ cũng được định hướng phát triển phù hợp với đặc điểm lịch sử, địa lý, dân cư…
Cũng theo nội dung Quy hoạch được phê duyệt, các đô thị vệ tinh của Hà Nội sẽ được hình thành và phát triển nhanh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở… ví dụ: Đô thị Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học – công nghệ và đào tạo; Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; Đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; Đô thị Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; Đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về dịch vụ, khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng quang cảnh núi Sóc…
Đối với các thị trấn và khu vực ngoại thành cũng đã được định hướng quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp từ thị trấn huyện lỵ hiện hữu (đối với các thị trấn); hình thành các vành đai cây xanh gắn với phát triển các công viên sinh thái quy mô lớn. Phát triển các vùng rau, hoa cây cảnh cao cấp, thực phẩm sạch. Phát triển du lịch gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong khu vực và phụ cận (đối với khu vực ngoại thành). Nâng cấp, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo sự liên kết hợp lý về cơ sở hạ tầng giữa nội thành và ngoại thành, tập trung vào mạng lưới giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải. Hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của nhân dân ngoại thành, cải thiện từng bước nhà ở và tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng ở nông thôn cho phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Cũng liên quan đến vấn đề Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hôm qua 19/7, trong bài trả lời phỏng vấn của một số cơ quan thông tấn báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã bày tỏ: để Quy hoạch được triển khai có hiệu quả, trong thời gian tới Hà Nội rất mong muốn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Về phía Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thế Thảo cũng khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ chủ động phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ sẽ tập chung vào việc triển khai có hiệu quả Quy hoạch này.
Thiên Cầm