Kiên quyết chống mọi biểu hiện tham nhũng, ngành thanh tra góp phần quan trọng ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng

Thứ sáu, 18/12/2020 15:15
(ThanhtraVietNam) - Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020 tổ chức ngày 12/12/2020 tại Hà Nội, đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng làm rõ thêm một số nội dung trong Dự thảo báo cáo tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020. Tạp chí điện tử Thanh tra xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ 
Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN;

Kính thưa các đ/c lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương.

Thưa toàn thể hội nghị.

Trước hết, Thanh tra Chính phủ xin được bày tỏ sự nhất trí cao đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết được trình bày tại Hội nghị hôm nay. Trong quá trình xây dựng Dự thảo báo cáo tổng kết, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, báo cáo theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết. Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến đối với Dự thảo báo cáo tổng kết theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương.

Để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc hôm nay, Thanh tra Chính phủ đã gửi đến Ban Tổ chức bài viết tham luận với chủ đề “Gắn phát hiện và xử lý sai phạm về tham nhũng, kinh tế qua công tác thanh tra với kiến nghị xử lý hình sự - Thực trạng, yêu cầu và giải pháp hoàn thiện”. Bài tham luận đã thể hiện cụ thể những kết quả đạt được trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra trong thời gian qua, những bài học kinh nghiệm, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp, nhiệm vụ cho thời gian tới.

Tại hội nghị này, Tôi xin không nêu lại chi tiết những ý kiến của Thanh tra Chính phủ trong quá trình xây dựng báo cáo cũng như nội dung bài viết tham luận đã gửi Ban Tổ chức mà chỉ xin phát biểu nhấn mạnh, làm rõ thêm hai nội dung sau:

Một là, về nhận định, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ nhất trí cao với nội dung đánh giá tổng quát nêu trong Dự thảo báo cáo tổng kết là: “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”. Đánh giá này đã phản ánh đúng những kết quả, nỗ lực của các cấp, các ngành và nói lên việc chúng ta đã bước đầu đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X và Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020.

Việc đánh giá “tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm” là không chủ quan mặc dù cũng có ý kiến băn khoăn về căn cứ để đánh giá. Nhưng những kết quả cụ thể đã được thể hiện trong Dự thảo báo cáo tổng kết mà đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đã khẳng định điều đó.

Kính thưa các đồng chí. 

Năm 2007, khi chúng ta mới bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X và Luật PCTN, tình hình tham nhũng đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tham nhũng được coi là một trong những nguy cơ lớn, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Năm 2007, Tổ chức minh bạch quốc tế khảo sát, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123/180 quốc gia, vùng lãnh thổ, cho thấy mức độ rất nghiêm trọng của tình hình từ góc nhìn của người dân, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế. Đến năm 2012, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, tạo được những chuyển biến nhất định làm tiền đề cho những kết quả tích cực của ngày hôm nay nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn trầm trọng. Việt Nam vẫn tiếp tục đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng quốc tế nêu trên.

Nhưng cũng từ đó đến nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và nhất là vai trò đặc biệt quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đã nỗ lực chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong PCTN, vì vậy mà “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng đạt kết quả rất tích cực. Việt Nam đã được đánh giá xếp hạng 96/180 quốc gia trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, vượt 27 bậc so với năm 2012. Đó là một nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia khác cũng rất tích cực, nỗ lực thực hiện công tác PCTN theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.

Do đó, việc đánh giá, dự báo “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm” là phản ánh khách quan, sát với tình hình và chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đánh giá này là minh chứng thể hiện rõ nét vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN kể từ khi thành lập đến nay và trong thời gian tới.

Hai là, về công tác đấu tranh phòng, chống những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc

Trong thời gian qua, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan... Tình trạng này còn được gọi là “tham nhũng vặt”, ví như căn bệnh ngứa, ghẻ thường xuyên hành hạ, làm khổ người dân, doanh nghiệp, gây bức xúc, xói mòn niềm tin, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đã nhiều lần được nghe đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chia sẻ.

Trước tình trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có chỉ đạo quyết liệt; Chính phủ cũng đã khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng, chống “tham nhũng vặt” và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp theo yêu cầu của Chỉ thị và đạt được những kết quả bước đầu. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Dư luận quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn bức xúc với những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp mà bản chất hầu hết đều là nhằm mục đích vòi vĩnh, tiêu cực, vụ lợi. Tình trạng đó không những làm phát sinh tăng chi phí không chính thức trong giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước mà nghiêm trọng hơn là đã xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, của những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liêm chính, gương mẫu, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh tra Chính phủ nhất trí cao với nội dung nêu trong Dự thảo báo cáo tổng kết về tình hình cũng như những bài học, giải pháp để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục có những biện pháp cụ thể, kiên quyết hơn nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này. Để làm được điều đó, từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình đều phải nỗ lực góp sức, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của các cơ quan thanh tra nhà nước.

Thưa các đồng chí.

Trong thời gian vừa qua, ngành thanh tra đã khắc phục được nhiều hạn chế trong phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra; đã nỗ lực thanh tra, kết luận, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng để từ đó cơ quan điều tra đã khám phá, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có cả những vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc phòng, chống “tham nhũng vặt”, phát hiện, xử lý những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp mới đạt kết quả bước đầu và còn hạn chế. Có nguyên nhân khách quan, nhưng nhìn chung phần nhiều vẫn là những nguyên nhân chủ quan.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng nói chung và ngăn chặn có hiệu quả hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nói riêng, với chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra, trong thời gian tới Ngành thanh tra sẽ tiếp tục tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là sẽ lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ngành thanh tra kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp qua thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo đúng quy định của pháp luật với phương châm hành động là: “Kiên quyết chống mọi biểu hiện tham nhũng. Xử nghiêm, xử mạnh theo đúng quy định của pháp luật, không để “tham nhũng vặt” ngày hôm nay trở thành “tham nhũng lớn” ngày mai”.

Thưa Hội nghị, tôi xin kết thúc phần tham luận của Thanh tra Chính phủ. Thay mặt cho cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, tôi xin gửi đến đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn./.

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra